Cơn hoảng loạn (panic attack) xảy ra khi cá nhân bất ngờ rơi vào những cảm giác lo lắng đột ngột và nỗi sợ hoàn toàn không thể kiểm soát, kéo dài trong vài phút.
Cơn Hoảng Loạn (Panic Attack) Là Gì?
Cơn hoảng loạn (panic attack) là một trạng thái tâm lý xảy ra đột ngột, gây căng thẳng dữ dội trong một thời gian ngắn. Cá nhân bất ngờ rơi vào những cảm giác lo lắng đột ngột và nỗi sợ hoàn toàn không thể kiểm soát, kéo dài trong vài phút. Các cơn hoảng loạn thường bao gồm các triệu chứng thực thể có thể khiến cá nhân cảm thấy giống như một cơn đau tim, chẳng hạn như run rẩy, ngứa ran hoặc tim đập nhanh, và chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
>>> Tham Khảo: Cơn Hoảng Loạn (Panic Attack) & Cơn Đau Tim (Heart Attack): Sự Khác Biệt & Mối Liên Hệ
Mặc dù bản thân các cơn hoảng loạn không nguy hiểm hoặc có hại cho sức khỏe, nhưng các cơn hoảng loạn xảy ra thường xuyên có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và gây ra các vấn đề khác.
Thống kê tại Tây Ban Nha và Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ ước tính của những người trải qua cơn hoảng loạn trong vòng 12 tháng dao động từ 9,5% đến 11,2% ở người trưởng thành. Trong đó, khoảng 8,5% người Mỹ bản địa báo cáo là họ đã từng trải qua cơn hoảng loạn trong đời. Phụ nữ thường bị ảnh hưởng bởi cơn hoảng loạn nhiều hơn nam giới, mặc dù sự khác biệt về giới tính này rõ ràng hơn đối với chứng rối loạn hoảng sợ (panic disorder). Các cơn hoảng loạn có thể xảy ra ở trẻ em nhưng tương đối hiếm, đến tuổi dậy thì, tỷ lệ trẻ gặp vấn đề với cơn hoảng loạn tăng lên. Tỷ lệ này giảm ở những người lớn tuổi, có thể phản ánh sự giảm dần về mức độ nghiêm trọng đến mức cận lâm sàng.
LƯU Ý: Cần phân biệt "Cơn hoảng loạn" (panic attack) và "Rối loạn hoảng sợ" (panic disorder). Cơn hoảng loạn là một trạng thái tâm lý, không phải vấn đề rối loạn lâm sàng; trong khi đó, "Rối loạn hoảng sợ" là một vấn đề về sức khỏe tâm thần, cần được can thiệp và trị liệu.
Triệu Chứng Và Chẩn Đoán
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Ấn bản lần thứ Năm (DSM-5 TR), cơn hoảng loạn đặc trưng bởi sự gia tăng đột ngột của nỗi sợ hãi mãnh liệt hoặc sự khó chịu dữ dội đạt đến đỉnh điểm trong vòng vài phút. Trong khoảng thời gian đó, cá nhân phải đối mặt với bốn (hoặc nhiều hơn) các triệu chứng sau đây:
1. Đánh trống ngực, tim đập mạnh hoặc nhịp tim tăng nhanh.
2. Đổ mồ hôi.
3. Run rẩy.
4. Cảm giác khó thở hoặc nghẹt thở.
5. Cảm giác nghẹn ngào.
6. Đau ngực hoặc khó chịu.
7. Buồn nôn hoặc đau bụng.
8. Cảm thấy chóng mặt, choáng váng, hoặc ngất xỉu.
9. Cảm thấy ớn lạnh hoặc nóng bức.
10. Dị cảm (cảm giác tê hoặc ngứa ran).
11. Cảm giác phi thực tế (derealization) hoặc cá nhân hóa (tách rời khỏi chính mình).
12. Sợ mất kiểm soát hoặc “phát điên”.
13. Sợ chết.
Một cơn hoảng loạn có thể phát sinh từ trạng thái bình tĩnh hoặc lo lắng, và thời gian đạt đến cường độ đỉnh điểm phải được đánh giá độc lập với bất kỳ tâm trạng lo lắng nào trước đó. Nói cách khác, thời điểm bắt đầu của cơn hoảng loạn là khi cảm giác khó chịu tăng lên đột ngột, chứ không phải là khi sự lo lắng bắt đầu phát triển. Tương tự như vậy, cơn hoảng loạn có thể trở lại trạng thái lo lắng hoặc trạng thái bình tĩnh ban đầu và sau đó có thể lên đến đỉnh điểm trở lại. Sự khác biệt giữa một cơn hoảng loạn và cảm giác lo lắng là hoảng loạn diễn ra ở thời điểm nó đạt đến cường độ cao nhất, xảy ra trong vòng vài phút; có tính chất rời rạc, và thường nghiêm trọng hơn.
Một điều cần chú ý là cơn hoảng loạn không phải là một rối loạn tâm thần. Các cơn hoảng loạn có thể xảy ra trong bối cảnh của bất kỳ rối loạn tâm thần khác (ví dụ: rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn sử dụng chất gây nghiện) và một số tình trạng bệnh lý (ví dụ: các vấn đề về tim, hô hấp, tiền đình, tiêu hóa).
LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân có cơn hoảng loạn, hãy tìm gặp nhà tâm lý tại các cơ sở đánh giá & điều trị tâm lý/tâm thần uy tín để có kết luận chính xác.
Điều Gì Dẫn Đến Những Cơn Hoảng Loạn?
Lý do chính xác vì sao một số người trải qua cơn hoảng loạn vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, vai trò của não và hệ thần kinh trong quá trình nhận thức và xử lý nỗi sợ hãi và lo lắng là rất quan trọng. Các nhà nghiên cứu cho rằng rối loạn chức năng của một bộ phận não bộ chịu trách nhiệm xử lý nỗi sợ hãi và các cảm xúc khác và sự mất cân bằng hóa học ở não có thể là nguyên nhân dẫn đến cơn hoảng loạn.
Bên cạnh đó, nguy cơ gặp các cơn hoảng loạn sẽ tăng lên nếu một người có:
Tiền sử gia đình: Nếu một trong những người thân thế hệ thứ nhất (anh chị em ruột, con cái, cha mẹ) mắc rối loạn lo âu và rối loạn hoảng sợ, cá nhân sẽ có nguy cơ mắc chứng rối loạn hoảng sợ hoặc các cơn hoảng loạn tăng 40%.
Tình trạng sức khỏe tâm thần: Những người mắc rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác dễ trải qua các cơn hoảng loạn hơn.
Trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu (ACE): Trải nghiệm tiêu cực, những sự kiện đau thương, xảy ra trong độ tuổi từ 1 đến 17 có thể góp phần vào sự phát triển của các cơn hoảng loạn và rối loạn hoảng sợ nói chung.
Thông thường, không có tác nhân cụ thể nào gây ra cơn hoảng loạn. Nhưng những người mắc chứng ám ảnh sợ hãi (phobia) có thể gặp phải các tác nhân liên quan đến nỗi ám ảnh dẫn đến cơn hoảng loạn. Ví dụ, một người mắc chứng sợ kim tiêm (trypanophobia) có thể bị hoảng loạn nếu họ phải lấy máu để xét nghiệm y tế. Đối với một số người, nỗi sợ hãi về những cơn hoảng loạn cũng có thể gây ra một cơn hoảng loạn khác.
Điều Trị Và Phòng Ngừa
Trị Liệu Tâm Lý
Trị liệu tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị các cơn hoảng loạn và đem lại cảm giác ổn định cho cá nhân. Có nhiều phương pháp trị liệu tâm lý cụ thể được sử dụng để giúp cá nhân có thể hiểu và kiểm soát các triệu chứng của mình. Các loại trị liệu tâm lý thường được sử dụng bao gồm:
Liệu pháp Hành vi - Nhận thức (CBT): Cá nhân thảo luận về suy nghĩ và cảm xúc của mình với nhà tâm lý. Nhà tâm lý sẽ giúp xác định các tác nhân gây ra cơn hoảng loạn để cá nhân có thể thay đổi suy nghĩ, hành vi và phản ứng của mình. Khi cá nhân bắt đầu phản ứng khác với các yếu tố kích thích, các cơn hoảng loạn có thể giảm đi và cuối cùng dừng lại.
Liệu pháp Tiếp xúc: Cá nhân sẽ được tiếp xúc với các tác nhân gây ra cơn hoảng loạn một cách dần dần và lặp đi lặp lại - có thể là trong tưởng tượng hoặc trong thực tế. Theo thời gian, cá nhân học cách trở nên thoải mái với hoàn cảnh thay vì cảm thấy lo lắng và hoảng sợ. Họ sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như các bài tập thở, để kiểm soát sự lo lắng của mình.
Sử Dụng Thuốc
Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp quan trọng trong việc điều trị cơn hoảng loạn, đặc biệt là trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc khi các biện pháp trị liệu khác không đạt hiệu quả mong muốn. Có một số loại thuốc được sử dụng phổ biến để giảm triệu chứng và ngăn chặn sự xuất hiện của các cơn hoảng loạn bao gồm:
Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể làm cho cơn hoảng loạn ít xảy ra hơn hoặc ít nghiêm trọng hơn.
Thuốc chống lo âu: Các loại thuốc chống lo âu có thể giúp điều trị và ngăn ngừa các cơn hoảng loạn. Chúng giúp giảm lo lắng nhưng có khả năng gây nghiện, vì vậy, phải hết sức thận trọng khi sử dụng chúng.
Lưu ý rằng việc sử dụng thuốc không nên tự tiến hành mà nên được chỉ định và giám sát bởi một bác sĩ chuyên khoa. Việc sử dụng thuốc phải đi kèm với việc thay đổi lối sống lành mạnh và các biện pháp trị liệu tâm lý (nếu cần thiết) để đảm bảo hiệu quả và an toàn tối đa.
4 Bước Để Giúp Đỡ Ai Đó Đang Trải Qua Cơn Hoảng Loạn
Bước 1. Xác Định Và Gọi Tên
Việc nhận biết và gọi tên cơn hoảng loạn có thể giúp người thân của bạn có thêm thông tin và biết được những gì đang xảy ra, qua đó giúp giảm bớt cảm giác lo lắng, sợ hãi về những điều chưa biết. Hãy cho họ biết rằng cơn hoảng loạn rồi sẽ qua đi. Theo Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ (ADAA), các cơn hoảng loạn có thể kéo dài từ 5 đến 30 phút, với các triệu chứng thường sẽ giảm dần đi sau khoảng 10 phút.
Nếu đây là lần đầu tiên người thân của bạn trải qua cơn hoảng loạn, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Mỗi người đều trải qua nỗi lo lắng theo cách của riêng họ, điều quan trọng cần ghi nhớ là những gì hiệu quả với người này có thể không hiệu quả với người khác. Vì vậy, đừng ngần ngại thử nghiệm các chiến lược ứng phó khác nhau.
Bước 2. Giữ Bình Tĩnh
Một trong những phương pháp tốt nhất để giúp đỡ ai đó đang trải qua cơn hoảng loạn là giữ bình tĩnh, ngay cả khi bạn cảm thấy hơi khó chịu về những gì đang xảy ra. Hãy duy trì sự bình tĩnh bằng cách hít thở sâu và nhắc nhở bản thân rằng việc này chỉ là tạm thời. Nếu tình huống trở nên quá sức đối với bạn, hãy liên hệ với người khác để được giúp đỡ.
Bước 3. Cho Họ Không Gian
Người thân của bạn có thể cần một khoảng thời gian riêng trong khi họ đang trải qua cơn hoảng loạn. Khi trạng thái hoảng loạn lên cao quá mức, bộ não của họ sẽ ở trong trạng thái "cảnh giác cao", do đó, các yếu tố môi trường thông thường như sự đụng chạm, âm nhạc, ánh sáng rực rỡ hoặc các loại âm thanh khác có thể trở nên quá kích thích đối với họ. Sau khi nhắc nhở rằng họ có thể xử lý các triệu chứng của mình, bạn có thể cho họ một không gian riêng cho đến khi cơn hoảng loạn của họ qua đi.
Bước 4. Khích Lệ
Khi một người thân yêu đang trải qua cơn hoảng loạn, bạn muốn thể hiện sự đồng cảm, nhưng lại không muốn thể hiện ra rằng hoảng loạn là một mối nguy hiểm, có hại hoặc cần phải giảm bớt hoặc thoát khỏi.
Thay vì cố gắng đem lại sự an ủi hoặc làm phiền người thân yêu của bạn, một cách tiếp cận khôn ngoan hơn là nhắc nhở họ rằng họ có thể tự mình đối mặt với tình hình. Điều này sẽ tạo ra sức mạnh cho họ để vượt qua thử thách. Hãy nhắc nhở họ rằng, mặc dù cơn hoảng loạn có thể kéo dài, nhưng thường đạt đỉnh điểm sau khoảng 10 phút. Cơ thể không thể duy trì tình trạng cảnh giác lâu dài hơn thế.
Nếu bạn cảm thấy mình đang có những triệu chứng của cơn hoảng loạn, hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. Can thiệp sớm là chìa khóa để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tham khảo:
[1] Panic Disorder: When Fear Overwhelms. https://www.nimh.nih.gov/health/publications/panic-disorder-when-fear-overwhelms
[2] Panic Attacks & Panic Disorder. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4451-panic-attack-panic-disorder
[3] 4 Steps to Help Someone Having a Panic Attack. https://psychcentral.com/anxiety/how-to-help-someone-having-a-panic-attack
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Toà Landmark 81 & Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP. HCM
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn