Sợ bị từ chối thường có tác động lớn đến cuộc sống của chúng ta. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy lo lắng khi đặt mình vào những tình huống có thể dẫn đến bị khước từ. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy thực sự khó đối mặt với nỗi sợ hãi này, và khi nó xảy ra, họ có những phản ứng tiêu cực.
Nỗi sợ bị từ chối có nhiều nguyên nhân, và có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu không được điều trị, dẫn đến những hạn chế ngày một lớn trong cuộc sống.
Bài viết này sẽ thảo luận về nỗi sợ bị từ chối bao gồm mức độ nhạy cảm khi bị chối bỏ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và hành vi của bạn như thế nào. Bên cạnh đó còn có một số phương pháp bạn có thể áp dụng để vượt qua nỗi sợ hãi này.
Nỗi Sợ Bị Từ Chối Giới Hạn Cuộc Sống Của Bạn Như Thế Nào?

Mặc dù không phải ai cũng trải qua nỗi sợ bị từ chối theo cách giống nhau, nhưng nó có xu hướng ảnh hưởng đến khả năng thành công trong đa số các tình huống cá nhân và nghề nghiệp.
Phỏng Vấn Xin Việc
Nỗi sợ bị từ chối có thể dẫn đến các triệu chứng thể chất mà đôi khi có thể được hiểu là thiếu tự tin. Sự tự tin, quyết đoán là yếu tố quan trọng ở nhiều vị trí, và những người trải qua nỗi sợ hãi này thường tỏ ra yếu đuối và thiếu chắc chắn. Nếu bạn sợ bị từ chối, bạn cũng có thể gặp khó khăn trong việc đàm phán các hợp đồng liên quan đến công việc, lương bổng và lợi ích.
Giao Dịch Kinh Doanh
Ở nhiều vị trí, nhu cầu gây ấn tượng không dừng lại khi bạn có công việc. Trò chuyện với khách hàng, thương lượng giao dịch, quảng cáo sản phẩm và thu hút nhà đầu tư là những thành phần quan trọng của nhiều ngành nghề. Ngay cả những việc đơn giản như trả lời điện thoại cũng có thể rất đáng sợ với những người sợ bị từ chối.
Gặp Gỡ Những Người Mới
Con người là sinh vật xã hội, và chúng ta phải tuân theo những quy tắc xã hội cơ bản ở nơi công cộng. Nếu sợ bị từ chối, bạn có thể cảm thấy không thoải mái trò chuyện với người lạ hoặc thậm chí là bạn xã giao. Xu hướng tự thu mình có thể khiến bạn không tạo được mối quan hệ lâu dài với những người khác.
Hẹn Hò
Những buổi hẹn hò đầu tiên có thể khiến bạn hồi hộp, nhưng những người sợ bị từ chối sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng. Thay vì tập trung vào việc tìm hiểu đối phương và quyết định xem bạn có muốn hẹn hò tiếp hay không, bạn dành toàn bộ thời gian để lo lắng về việc liệu người đó có thích mình hay không. Khó nói chuyện, ám ảnh về ngoại hình của mình, không ăn uống được và lo lắng là những điều thường gặp.
Hôn Nhân
Cuộc sống hôn nhân bao gồm một loạt các cuộc thương lượng và thỏa hiệp không hồi kết. Dù có hợp nhau đến đâu, hai người cũng không thể đồng ý về tất cả mọi thứ. Những người mắc chứng sợ bị từ chối thường gặp khó khăn trong việc bày tỏ nhu cầu và lập trường của bản thân.
Bạn cũng có thể nảy sinh cảm giác ghen tị hoặc không tin tưởng vào người bạn đời của mình vì nỗi sợ bị từ chối chuyển thành nỗi sợ bị bỏ rơi. Điều này đôi khi được thể hiện qua những hành vi không lành mạnh như kiểm tra tin nhắn điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội của người đó.
Mối Quan Hệ Đồng Trang Lứa
Nhu cầu được thuộc về là một nhu cầu cơ bản của con người, vì vậy mọi người thường cư xử theo những cách giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Dù cách ăn mặc, nói năng và ứng xử với tư cách là một thành viên trong nhóm không hẳn là không lành mạnh, nhưng áp lực đồng trang lứa đôi khi đi quá xa. Nó có thể khiến bạn làm những việc mà bạn không cảm thấy thoải mái chỉ để tiếp tục là một phần của nhóm đó.
Phản Ứng Với Nỗi Sợ Bị Từ Chối

Khi sợ bị từ chối, bạn cũng có thể thực hiện một số hành vi tập trung vào việc che đậy hoặc bù đắp cho nỗi sợ hãi này. Chúng có thể bao gồm:
Thiếu Sự Chân Thật
Lo sợ rằng bạn sẽ bị từ chối nếu bạn thể hiện con người thật của mình với thế giới, bạn sống đằng sau một chiếc mặt nạ. Điều này có thể khiến bạn có vẻ giả tạo và không chân thành đối với người khác và có thể khiến bạn cứng nhắc không sẵn sàng chấp nhận những thử thách trong cuộc sống.
Cố Gắng Làm Hài Lòng Mọi Người
Muốn chăm sóc những người mình yêu thương là điều tự nhiên, nhưng những người sợ bị từ chối thường đi quá xa. Bạn không thể nói không, mặc dù nói có sẽ gây ra những bất tiện hoặc khó khăn lớn trong cuộc sống của bạn.
Nếu bạn là một người thích làm vui lòng tất cả mọi người, bạn có thể đảm nhận quá nhiều việc, làm bản thân dễ bị kiệt sức. Ở mức độ nghiêm trọng, việc muốn làm hài lòng mọi người đôi khi tạo điều kiện cho những hành vi xấu của người khác.
Thụ Động
Những người mắc chứng sợ bị từ chối thường cố gắng tránh phải đối mặt. Bạn từ chối yêu cầu những gì bạn muốn hoặc thậm chí không muốn lên tiếng để yêu cầu những gì bạn cần. Một xu hướng phổ biến là cố gắng dập tắt nhu cầu của bản thân hoặc giả vờ rằng chúng không quan trọng.
Nỗi sợ bị từ chối có thể khiến bạn không phát huy hết khả năng của mình. Thoát khỏi vỏ bọc của mình là điều đáng sợ đối với bất kỳ ai, nhất là khi bạn sợ bị từ chối. Bạn cố gắng giữ cảm giác an toàn, ngay cả khi bạn không hài lòng với tình hình hiện tại của mình.
Gây Hấn Thụ Động
Không thoải mái khi thể hiện con người thật của mình nhưng không thể hoàn toàn từ bỏ nhu cầu của bản thân, nhiều người sợ bị từ chối cuối cùng sẽ hành xử theo kiểu gây hấn thụ động. Bạn có thể trì hoãn, "quên" giữ lời hứa, phàn nàn và làm việc không hiệu quả trong các dự án mà bạn đảm nhận.
Xem Thêm: Đằng Sau Nỗi Sợ Sự Thay Đổi
Hậu Quả Của Nỗi Sợ Bị Từ Chối

Nỗi sợ bị từ chối dẫn đến những hành vi khiến chúng ta tỏ ra bất an, bị choáng ngợp và làm việc kém hiệu quả. Các dấu hiệu là đổ mồ hôi, run rẩy, bồn chồn, tránh giao tiếp bằng mắt và thậm chí mất khả năng giao tiếp hiệu quả. Mặc dù các cá nhân phản ứng với những hành vi này theo những cách rất khác nhau, nhưng đây là một số phản ứng phổ biến.
Sự Từ Chối
Trớ trêu thay, nỗi sợ bị từ chối thường trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Nổi tiếng trong tâm lý học đại chúng là sự tự tin làm tăng sức hấp dẫn. Theo nguyên tắc chung, sự thiếu tự tin và nỗi sợ bị từ chối khiến chúng ta dễ bị chối từ hơn.
Nghiên cứu cho thấy rằng sự tự tin cũng quan trọng như trí thông minh trong việc xác định mức thu nhập của chúng ta.
Sự Thao Túng
Một số người lợi dụng sự bất an của những người khác. Những người mắc chứng sợ bị từ chối có thể có nhiều nguy cơ bị thao túng vì lợi ích cá nhân của người khác.
Những kẻ thao túng lão luyện thường có vẻ ngoài quyến rũ, ga lăng và chu đáo — họ biết cần làm gì để khiến người khác tin tưởng họ. Họ cũng biết cách khiến một người sợ bị từ chối luôn cảm thấy lo lắng, như thể kẻ thao túng có thể rời đi bất cứ lúc nào. Hầu như trong mọi trường hợp, kẻ thao túng cuối cùng cũng sẽ rời đi khi họ đã có được những gì họ muốn từ người kia.
Tham Khảo: Gaslighting - Hiệu Ứng Thao Túng
Sự Thất Vọng
Hầu hết mọi người đều đàng hoàng, trung thực và thẳng thắn. Thay vì thao túng ai đó với nỗi sợ bị từ chối, họ sẽ cố gắng giúp đỡ. Hãy tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy bạn bè và gia đình đang cố gắng khuyến khích sự quyết đoán của bạn, yêu cầu bạn cởi mở hơn với họ hoặc thăm dò cảm xúc thực sự của bạn.
Tuy nhiên, một số người sợ bị từ chối cảm thấy những nỗ lực này như bị đe dọa về mặt tinh thần. Điều này thường khiến bạn bè và gia đình sợ làm cho nỗi sợ hãi của bạn trở nên tồi tệ hơn. Theo thời gian, họ có thể trở nên thất vọng và tức giận, chất vấn bạn về hành vi của bạn hoặc bắt đầu xa lánh bạn.
Làm Thế Nào Để Vượt Qua Nỗi Sợ Bị Từ Chối?

Nếu bạn đang trải qua nỗi sợ bị từ chối, có những bước bạn có thể thực hiện để học cách ứng phó tốt hơn và ngăn nỗi sợ hãi này ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn:
Cải Thiện Kỹ Năng Tự Điều Chỉnh Bản Thân
Tự điều chỉnh là khả năng xác định và kiểm soát cảm xúc và hành vi của bạn. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc khắc phục nỗi sợ bị từ chối. Bằng cách xác định những suy nghĩ tiêu cực góp phần gây ra cảm giác sợ hãi, bạn có thể chủ động thực hiện các bước để điều chỉnh suy nghĩ của mình theo hướng lạc quan và tự khích lệ hơn.
Đối Mặt Với Nỗi Sợ Hãi Của Bạn
Ứng phó né tránh là kiểm soát những cảm giác khó chịu bằng cách đơn giản là tránh những tình huống có thể kích hoạt những cảm xúc đó. Vấn đề với cách tiếp cận này là nó cuối cùng góp phần làm tăng cảm giác sợ hãi. Thay vì ứng phó tốt hơn với nỗi sợ bị từ chối, nó lại khiến bạn trở nên sợ hãi và nhạy cảm hơn.
Vì vậy, thay vì trốn tránh những tình huống mà bạn có thể gặp phải sự khước từ, hãy tập trung vào việc giải quyết nỗi sợ hãi của bạn. Khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm đối mặt với nỗi sợ hãi của mình, bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng kết quả ít gây lo lắng hơn bạn tưởng. Bạn cũng sẽ tự tin hơn vào khả năng thành công của chính mình.
Trau Dồi Tính Kiên Cường
Kiên cường có nghĩa là bạn có thể vực dậy bản thân sau một bước lùi và tiến lên phía trước với một tinh thần mới mẻ, mạnh mẽ và lạc quan. Những phương pháp có thể giúp nuôi dưỡng ý chí kiên cường bao gồm xây dựng sự tự tin của bạn vào khả năng của bản thân, có một hệ thống hỗ trợ trong xã hội giúp nuôi dưỡng, chăm sóc bản thân bạn. Có mục tiêu và thực hiện các bước để cải thiện kỹ năng của bạn cũng có thể cho bạn niềm tin vào khả năng vực dậy sau khi bị từ chối.
Nếu bạn nhận thấy rằng nỗi sợ bị từ chối đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn và gây ra nỗi đau khổ, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên tìm đến liệu pháp tâm lý. Trị liệu có thể giúp bạn khám phá và hiểu rõ hơn về một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến nỗi sợ hãi của bạn và tìm ra những cách hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương này.
Xem Thêm: Làm Sao Để Vượt Qua Nỗi Sợ Hãi?
Lời Kết
Nỗi sợ hãi bị từ chối có thể gây ra áp lực lớn đối với tâm lý của nhiều người. Nếu bạn cảm thấy khó đối mặt với nỗi sợ này, bạn có thể liên hệ với các chuyên gia tâm lý để được tham vấn trị liệu.
Viện Tâm lý Việt - Pháp là một trong những đơn vị điều trị bệnh tâm lý với đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm ở trong và ngoài nước. Viện đã điều trị thành công nhiều trường hợp không thể tự thoát khỏi nỗi sợ hãi và giúp cho những người thân chủ trở lại với nhịp sống thường nhật một cách nhanh chóng.
Hãy gọi điện ngay cho chúng tôi để được tư vấn, phát hiện sớm nhất và có các biện pháp can thiệp kịp thời đối với nỗi sợ hãi.
Hotline : 0977.729.396
Mail : info@tamlyvietphap.vn
Địa chỉ : Số 46 & 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Nguồn: How to Overcome a Fear of Rejection - Verywell Mind