“Ai cũng có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc” - tất cả chúng ta đều biết tới câu văn này trong Tuyên ngôn Độc lập nhưng có một thực tế đáng buồn là nhiều người đã từ bỏ việc theo đuổi hạnh phúc.
Có những người xác định được khoảnh khắc mà họ bắt đầu mất đi hạnh phúc, và cũng có những người không thể xác định mà chỉ ôm niềm tin rằng họ không xứng đáng có được hạnh phúc. Họ thường ngấm ngầm và chủ động phá hoại một cách tinh vi bất kỳ nỗ lực nào để có được hạnh phúc. Họ không chỉ luôn sống trong sự bất an, lo lắng, căng thẳng mà còn rất dễ mắc phải các vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Cho dù niềm tin của họ về hạnh phúc là có ý thức hay không, kết quả cuối cùng vẫn là chất lượng cuộc sống của họ bị xuống dốc nghiêm trọng.
Nguyên Nhân
Những Sai Lầm Trong Quá Khứ
Ở những người thường xuyên cảm thấy tội lỗi, họ thường nhìn lại cuộc đời của họ và chỉ nhìn thấy những gì họ đã làm sai, những người họ đã làm tổn thương. Những cảm xúc chủ đạo mà họ trải qua chỉ là cảm giác tội lỗi và hối tiếc. Họ luôn cảm thấy buồn rầu, bất hạnh bởi lương tâm của họ đòi một sự đền tội mà họ phải trả mãi mãi.
Tội Lỗi Của Người Sống Sót
Thường trong các sự kiện mà có các nạn nhân còn sống, họ sẽ thường phải chịu những gánh nặng tâm lý và cảm thấy có tội. Anh trai sinh đôi của Elvis Presley qua đời ngay sau khi anh sinh ra và Elvis luôn bị ám ảnh bởi mặc cảm tội lỗi rằng anh đã sống sót còn người anh song sinh của anh thì không. Tội lỗi của người sống sót này cũng là điều có thể xảy ra với những người lính làm nhiệm vụ, những người sống sót sau một vụ tai nạn khi những người khác thì không. Họ thường tự trách, cảm thấy bản thân không đủ tốt để cứu các nạn nhân. Đây là cảm giác tội lỗi mang mức độ cao của căng thẳng sau chấn thương.
Tham khảo: Victim blaming
Tổn Thương
Có rất nhiều người phải chịu những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần trong quá khứ như bạo hành, bạo lực học đường, bắt nạt, lạm dụng, xâm hại, v.v. Ví dụ, những phụ nữ bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ thường có xu hướng cho rằng bản thân họ “tội lỗi và bẩn thỉu”. Mặc dù những người này đã không còn phải chịu tổn thương ở hiện tại, nhưng họ vẫn mang trong mình những nỗi đau và những suy nghĩ sai lầm. Và bởi vì họ tin rằng như vậy, họ cảm thấy rằng họ không xứng đáng để có được hạnh phúc.
Những tổn thương trong thời thơ ấu không chỉ để lại những vết sẹo về cảm xúc mà nó còn để lại cho đứa trẻ cái nhìn méo mó về bản thân để khi lớn lên, họ sống với sự tự trách, với nỗi sợ những vết thương này sẽ lặp lại và với cái nhìn về một thế giới mãi mãi không an toàn, che đậy bất kỳ cảm giác hạnh phúc nào.
Sự Lo Lắng Của Cha Mẹ
Một bậc cha mẹ không thể hạnh phúc nếu đứa con của họ bất hạnh. Cho dù con cái họ đã trưởng thành và đủ khôn lớn thì bản năng làm cha mẹ của họ cũng không bao giờ chấm dứt. Những lo lắng của họ, đôi khi là cảm giác tội lỗi và cảm giác bất lực của họ khi không thể giúp đỡ hay che chở cho con có thể trở thành vết hằn trong cuộc sống hàng ngày.
Ám Ảnh Về Hình Tượng Của Bản Thân
Những người thường xuyên chỉ trích bản thân - những người cầu toàn, cứng nhắc và có tuổi thơ từng bị chỉ trích hoặc lăng mạ - về cơ bản đều bị mắc kẹt trong những nỗi lo mà rất khó để thoát ra. Nếu hạnh phúc dựa trên việc họ là ai và việc họ là ai dựa trên những gì bạn làm (mà bạn luôn muốn mọi thứ phải hoàn hảo) thì họ hiếm khi vui vẻ và thành công. Có những mục tiêu xa vời và bất khả thi mà họ nên thừa nhận rằng mình sẽ không thực hiện được nhưng vì bị ám ảnh với một hình mẫu mà họ luôn bị một suy nghĩ dằn vặt trong đầu rằng họ đã thụ động như thế nào, thất bại làm sao, họ không đủ tốt, v.v. Đó là công thức mãn tính của sự bất hạnh.
Cảm Thấy Tội Lỗi Nếu Hạnh Phúc
Khi sự “không vui” trở thành trạng thái “bình thường mới” của một người, họ không thể cho phép mình tận hưởng hoặc xây dựng những khoảnh khắc hạnh phúc này bởi vì thay vào đó, họ luôn tự động cảm thấy tội lỗi và lo lắng.
Tham Khảo: Hạnh phúc khi không phải nghĩ gì cả
Chúng Ta Xứng Đáng Được Hạnh Phúc
Dưới đây là một số gợi ý để mỗi người bắt đầu hàn gắn quá khứ và hiện tại, đồng thời chấp nhận rằng chúng ta xứng đáng có được hạnh phúc trong cuộc sống.
Sự Bù Đắp
Nếu bạn bị nhấn chìm trong một sự hối hận, tội lỗi hoặc vết thương nào đó và chúng đang phá hoại hạnh phúc của bạn, bạn hãy tìm cách để chúng khép lại. Nếu trong quá khứ bạn từng làm tổn thương một người hay gây ra một số sai lầm, bạn có thể thẳng thắn nhận lỗi, xin lỗi và làm một số việc để cải thiện tình huống cũng như bù đắp lỗi lầm của bạn. Bạn cũng có thể tạo ra một số dịp nhằm kết thúc triệt để sự dằn vặt kia, ví dụ như gặp người bạn mà bạn từng mắc lỗi và nói chuyện với họ, biết đâu họ đã tha thứ cho bạn và hoàn toàn không để bụng. Nếu không thể liên lạc với họ, bạn có thể viết một bức thư hay để lại một lời nhắn thiện ý cho thấy rằng bạn đã hối hận vì lỗi lầm của mình và sẵn sàng bù đắp những điều tốt đẹp cho họ.
Nhận Ra Rằng Bạn Đã Làm Những Gì Tốt Nhất Bạn Có Thể
Đây không phải là một điều dễ dàng. Chính vì bạn tin rằng bạn đã không làm những gì tốt nhất có thể trong quá khứ nên bây giờ bạn cảm thấy đau khổ. Mặc dù bạn không thể trực tiếp thay đổi cảm giác của mình, nhưng bạn có thể thay đổi suy nghĩ của mình và chìa khóa ở đây là hãy nghĩ rằng bạn đã làm tốt nhất có thể vào thời điểm đó. Sự tự phê bình của bạn xuất phát từ tâm trí và cảm xúc của bạn khi nhìn lại quá khứ qua lăng kính của hiện tại. Nhưng hãy suy nghĩ kĩ lại hoàn cảnh, không gian và thời gian xảy ra sự kiện - vào thời điểm đó, bạn đã làm hết sức mình có thể dựa trên độ tuổi kinh nghiệm cũng như kỹ năng ứng phó của bạn. Ví dụ bạn không đủ sức kéo một người khỏi đám cháy khi còn nhỏ, nhưng hãy nghĩ rằng với thể trạng và sức lực của bạn khi ấy, bạn đã rất cố gắng và làm rất tốt rồi. Có thể suy nghĩ này sẽ không giúp bạn cảm thấy tốt hơn ngay lập tức, nhưng theo thời gian, nó có khả năng bắt đầu thay đổi câu chuyện mà bạn đã tự kể bấy lâu nay.
Chữa Lành Những Tổn Thương Của Bạn
Đã đến lúc chữa lành vết thương và tạm dừng những ám ảnh trong quá khứ. Thường thì chấn thương xuất hiện theo từng cấp độ bạn nên gặp nhà tâm lý trị liệu, người có thể giúp bạn trải qua quá trình chữa lành này mà không cảm thấy quá tải.
Đối Diện Với Suy Nghĩ Của Bản Thân
Nếu bạn luôn nghĩ rằng những gì bạn đã hoặc không làm là vấn đề và cách duy nhất để giải quyết vấn đề là cố gắng nhiều hơn thì hãy cẩn thận. Nhiều khi, vấn đề thực sự không phải là những "thất bại" lặp đi lặp lại của bạn mà là quá trình tự ngược đãi bản thân đang tiếp diễn và hủy hoại cuộc đời bạn. Cũng như đối với tổn thương, sự giúp đỡ từ chuyên gia trị liệu có thể giúp bạn tái tạo những luồng suy nghĩ này.
Điều Trị Chứng Lo Âu Và Trầm Cảm
Nếu bạn cảm thấy những suy nghĩ của bạn luôn mắc kẹt ở những sự kiện trong quá khứ mà không thể thoát ra, thì đây có thể là một báo động đỏ. Mặt khác, nếu những suy nghĩ và cảm xúc này dường như đi kèm với tâm trạng chán nản hoặc lo lắng liên tục, thì đó có thể là một triệu chứng của lo âu hoặc trầm cảm. Lúc này bạn có thể tìm gặp các bác sĩ tâm lý và thử bắt đầu một phiên tham vấn hoặc trị liệu để xem liệu suy nghĩ của bạn có thay đổi khi tâm trạng của bạn được cải thiện hay không.
Tham khảo: Khác nhau giữa lo âu và trầm cảm
Mang Những Bài Học Của Bạn Và Tiến Về Phía Trước
Ví dụ, các nạn nhân từng bị lạm dụng thường tham gia các nhóm tình nguyện giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng khác. Đây là nơi mọi người thay đổi các giá trị và suy nghĩ của họ để mối quan hệ của họ với bản thân và những người khác trở nên nhân ái hơn. Bạn cũng có thể thay đổi hành động của mình, thay đổi niềm tin của mình rằng bạn xứng đáng được hạnh phúc.
Nguồn: PsychologyToday - When You Feel You Don't Deserve to Be Happy