Là một nhà trị liệu tâm lý, tôi được trang bị rất nhiều kiến thức về sự đau buồn khi người thân qua đời, ít nhất về mặt lý thuyết là như vậy. Lúc học cao học, tôi được dạy chứng đau buồn phức tạp (complicated grief) là như thế nào; còn khi hành nghề, tôi cũng đã trị liệu cho khá nhiều những người trải qua mất mát.
Mất mẹ năm 23 tuổi, chồng năm 26, vài năm sau bố chồng tôi cũng ra đi. Sau khi trải qua mất mát nối tiếp mất mát trong mười năm cuộc đời, tôi đã có một cái nhìn hoàn toàn mới về sự đau buồn khi mất người thân.
Tuy sự mất mát của cả ba người thân yêu đều làm tôi đau xót, lúc mất Lincoln, chồng tôi, là khi tôi hiểu thêm nhiều nhất về sự đau buồn. Sau đây là những điều tôi đã nhận ra:
Nỗi Đau Buồn Đến Như Cơn Sóng
Lúc người thân vừa mới ra đi, cảm giác đau buồn là liên tục. Nhưng khi một vài tháng đã trôi qua, cảm giác đau buồn sẽ đến theo từng đợt. Sự buồn bã, nỗi tức giận, lo âu, và những mớ cảm xúc hỗn độn khác đến rồi lại đi.
Một giây trước tôi có thể còn đang cười nói vui vẻ, nhưng ngay sau đó lại cảm thấy có lỗi vì mình đang quá vui dù người thân vừa mất. Hoặc khi đang có chuyến mua sắm dễ chịu, tôi sẽ bật khóc khi nhận ra mình không cần mua hộp ngũ cốc mà Lincoln thích nữa.
Theo cảm nhận của tôi, nỗi đau buồn sẽ không thực sự biến mất hoàn toàn. Nhưng nó có đỡ dần đi theo năm tháng và những cơn sóng cảm xúc mãnh liệt cũng ngày càng cách xa nhau hơn.
Sự Đau Buồn Khiến Tâm Trí Bạn Bối Rối
Đã có những lúc tôi nghĩ rằng: “Về phải kể ngay cho Lincoln mới được!”, chỉ để sau đó lại phải nhận ra rằng sự ra đi của anh là mãi mãi. Anh sẽ không bước vào cửa một lần nữa như thể vừa quay lại từ một chuyến đi xa. Anh đã thực sự ra đi.
Mặc dù vậy, cứ như thể lúc đó tâm trí tôi không thể nào hoàn toàn hiểu được ngay lập tức sự ra đi này là vĩnh viễn. Phải mất một thời gian sau nó mới làm được như vậy. Nhưng cho tới lúc đó, nó thường lừa tôi bằng cách làm tôi nghĩ rằng có thể chồng tôi vẫn còn ở đây và tôi sẽ sớm cảm thấy nhẹ nhõm thôi.
>>> Tham Khảo: Đau Buồn Phức Tạp
Những Hành Động Nhân Ái Từ Người Khác Sẽ Làm Bạn Thấy Tốt Hơn
Trong những ngày sau khi Lincoln qua đời, một số người đã gửi thiệp chia buồn, số khác thì giao đồ ăn tới nhà cho tôi. Rất nhiều người đã ở bên tôi lúc đó. Cảm giác được bao quanh bởi những tấm lòng nhân ái đã làm tôi thấy nhẹ nhõm hơn phần nào.
Mặc dù phần lớn mọi người không chắc mình nên nói gì hay làm gì, nhưng sự tử tế đến từ cử chỉ, hành động của họ đã giúp tôi cảm thấy bớt cô đơn.
Thật không dễ dàng để ở bên người đang đau buồn
Việc ở bên một người đang trải qua đau buồn thật thực sự rất khó khăn. Vậy nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người đã cố làm tôi vui lên bằng những câu chuyện cười hay bằng việc chỉ ra rằng, cuộc sống tôi vẫn nhiều điều tích cực.
Tất nhiên tôi không hề phủ nhận tấm lòng của họ. Việc vui đùa, cùng nhau chia sẻ những tiếng cười có thể là một yếu tố để tâm hồn được chữa lành sau mất mát. Nhưng đôi khi nó làm tôi cảm thấy phải gồng mình tỏ ra vui vẻ khi trong lòng còn vẫn còn nhiều buồn đau. Tôi không muốn làm những người xung quanh cảm thấy không thoải mái khi ở bên mình.
Chuyện Hậu Sự Làm Tôi Thấy Choáng Ngợp
Chuyện hậu sự không chỉ dừng lại ở việc tổ chức đám tang. Sau khi Lincoln mất, tôi phải quyết định xem cần bán đi những gì (ví dụ như ô tô của anh), gửi giấy chứng chứng tử để huỷ những dịch vụ anh từng sử dụng và tính xem giờ sẽ xoay sở ra sao khi chỉ còn mình là nguồn thu duy nhất.
Những công việc này đều rất khó khăn. Tôi đã làm những điều khiến mình thấy hối hận, chẳng hạn như nổi giận với nhân viên chăm sóc khách hàng khi họ không chịu làm việc với tôi vì hoá đơn truyền hình cáp ghi tên Lincoln.
Không Thể Quy Định Thời Hạn Của Sự Đau Buồn
Cơ quan chăm sóc sức khoẻ tâm thần nơi tôi làm việc đã cho tôi ba ngày để lo chuyện mai táng cho chồng. Điều đáng buồn là một số người còn không có nổi đến ba ngày.
Chắc chắn là sau ba ngày tôi chưa thể nào quay lại làm việc với tư cách nhà trị liệu được. Tôi đã nộp đơn xin nghỉ theo diện gặp khó khăn ngắn hạn, nhưng sau đó nhận được thông báo rằng gói hỗ trợ khó khăn của cơ quan không bao gồm việc hỗ trợ khi đau buồn vì người thân qua đời. May thay, vì là một nhà trị liệu, tôi biết là có gói hỗ trợ các vấn đề sức khoẻ tâm thần. Một tuần sau, bác sĩ của tôi chẩn đoán rằng tôi bị rối loạn stress hậu sang chấn (PTSD) và giúp tôi được nghỉ làm ba tháng.
Dù có lúc ta cảm thấy đáng lẽ giờ này phải hết đau buồn rồi, nhưng trên thực tế, không có quy định nào rõ ràng nào về thời hạn của sự “hồi phục” cả. Chẳng có gì đảm bảo rằng tôi sẽ cảm thấy khá hơn sau một khoảng thời gian nhất định hết.
Sau sáu tháng, một số người bảo rằng tôi phải hẹn hò lại đi. Số khác lại động viên tôi phải tạo ra những thay đổi thật lớn, vì đã một năm rồi. Tuy vậy, tôi biết rằng mình không thể lệ thuộc vào một mốc thời gian ngẫu nhiên nào đó và ép bản thân phải nghĩ rằng đó là thời điểm thích hợp. Tôi phải làm điều mà thực tâm mình thấy phù hợp cho bản thân nhất.
Quá Trình Đau Buồn Cũng Là Để Ta Chữa Lành
Tang thương là đau đớn. Đôi khi ta sẽ muốn lảng tránh thay vì phải đối diện với nỗi đau. Tôi cũng vậy, cũng đã từng muốn làm thật nhiều thứ để quên đi nỗi đau, mong rằng một ngày nó sẽ biến mất.
Nhưng tôi biết rằng mình phải đối diện với sự đau buồn. Thời gian không thể tự chữa lành được những vết thương. Ta đối diện với khoảng thời gian đau buồn như thế nào mới là điều quan trọng.
Lúc đó, cách duy nhất để tôi có thể bước ra khỏi đau thương là, trước hết, tôi phải cho phép bản thân được đối diện với tất cả những cảm xúc, cảm giác khó chịu.
Và giờ tôi rất biết ơn là mình đã làm như vậy. Những năm tháng đó quả thật vô cùng khó khăn, nhưng việc đối diện với sự đau đớn đã giúp tôi có thể có được sự dễ chịu và thanh thản bây giờ.
Phải mất một khoảng thời gian dài, nhưng hiện tại, tôi đã có cuộc sống tốt hơn. Tôi đã chuyển hẳn ra ở trên một chiếc thuyền buồm ở Florida Keys. Đúng, tôi sẽ không bao giờ bảo rằng: “Tôi đã hoàn toàn vượt qua nỗi đau”, nhưng tôi có thể nói: “Ừ, tôi đang dần dần vượt qua điều đó”.
>>> Tham khảo: Vai Trò Của Cảm Xúc
Lời Kết
Phải viết cáo phó, lo việc tổ chức tang lễ, hay những chuyện hậu sự khác đều không hề đơn giản, nhất là khi bạn vừa phải trải qua mất mát.
Mặc dù hành trình vượt qua nỗi đau là một hành trình mang tính cá nhân, hãy cho phép người khác được giúp bạn để khiến mọi chuyện dễ dàng hơn dù chỉ đôi chút. Dù là gặp riêng một nhà trị liệu, tham gia một nhóm hỗ trợ, hay tham gia các diễn đàn trực tuyến để được nghe những câu chuyện, kĩ năng đối diện với đau buồn, hay trải nghiệm của người khác đều có thể giúp bạn thấy bớt cô đơn khi đang trong quá trình đau buồn vì mất đi người thân.
Nguồn: 7 Things I Learned About Grief When My Husband Died, Verywell Mind
>>> Tham Khảo: Cảm Giác Đau Buồn Khi Mất Một Người Bạn
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0912.012.684 (Zalo, 24/7)
Email: daotao@tamlyvietphap.vn
Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn