Thế giới chúng ta vô cùng đa dạng, từ văn hóa và ngôn ngữ đến khả năng thể chất và chức năng nhận thức. Trong đó, chúng ta có thể tìm thấy khái niệm neurodivergent (thần kinh khác biệt), chỉ những người có chức năng và cấu trúc não bộ khác biệt so với những gì được xã hội kỳ vọng.

Qua nhiều năm, xã hội đã cố gắng hiểu và tạo điều kiện cho những người thần kinh khác biệt. Nhưng nhìn chung, họ vẫn thường bị nhìn nhận như những đối tượng cần phải “điều trị”, “chỉnh đốn” hay “sửa chữa”. Tuy nhiên, phong trào đa dạng thần kinh – neurodiversity – đã thách thức những lối mòn này, kêu gọi việc chấp nhận sự khác biệt thần kinh như một biến thể tự nhiên thay vì một bệnh lý.
Bài viết này khám phá chân dung người có thần kinh khác biệt, những thách thức mà họ phải đối mặt và những đóng góp độc đáo của họ cho xã hội.
Từ Tiếp Cận Đa Dạng Thần Kinh: Định Nghĩa Về Thần Kinh Khác Biệt
Khái niệm neurodivergence, hay sự khác biệt thần kinh, xuất phát từ phong trào và tiếp cận nghiên cứu về đa dạng thần kinh (neurodiversity), khẳng định rằng sự khác biệt về thần kinh cần được nhìn nhận như những biến thể tự nhiên chứ không phải là các rối loạn hay bệnh lý.
Những người neurodivergent thường có sự khác biệt trong nhận thức, cảm giác và hành vi. Thông thường, những khác biệt này thường bị coi là “sai lệch” so với những gì được xem là “điển hình” – như người neurotypical (thần kinh điển hình) trong xã hội. Nhưng về bản chất, những khác biệt này không phải là tiêu cực.
Quan điểm đa dạng thần kinh cho rằng, cũng như cách đa dạng sinh học cần thiết cho sự ổn định của hệ sinh thái, sự đa dạng về thần kinh là yếu tố quan trọng đối với sự ổn định văn hóa, xã hội và trí tuệ của cộng đồng. Nhờ đó, chúng ta có thể tập trung vào sự hoà nhập, tôn trọng và xây dựng một xã hội nơi sự khác biệt được tôn vinh thay vì bị kỳ thị.
Người Có Thần Kinh Khác Biệt – Họ Là Ai?
Neurodivergent chỉ những người có sự khác biệt trong chức năng nhận thức, hành vi, hoặc phong cách học tập so với chuẩn mực xã hội hoặc so với những người có thần kinh điển hình (neurotypical). Những sự khác biệt này thường được phân loại như một số tình trạng thần kinh nổi tiếng, thường được gọi là các rối loạn phát triển thần kinh.

>> Tham khảo: Neurodivergent Và Neurotypical: Hiểu Về Sự Đa Dạng Thần Kinh
Rối loạn phổ tự kỷ
Tự kỷ là một trong những tình trạng khác biệt về thần kinh được nhận diện phổ biến nhất. Những người trong phổ tự kỷ có thể gặp khó khăn trong các tương tác xã hội, hiểu các tín hiệu xã hội, hoặc quản lý sự quá tải cảm giác. Tuy nhiên, họ cũng có thể có những kỹ năng xuất sắc trong các lĩnh vực như toán học, âm nhạc, hoặc nghệ thuật.
Phổ tự kỷ rất rộng, từ những người có thể cần hỗ trợ nhiều đến những người có thể sống và làm việc độc lập hoặc có tài năng trong các lĩnh vực nhất định.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
ADHD được đặc trưng bởi các triệu chứng mất chú ý, tăng động, và thiếu kiểm soát. Những người mắc ADHD có thể gặp khó khăn trong việc tập trung vào các nhiệm vụ, tổ chức suy nghĩ, hoặc kiểm soát hành động của mình.
Tuy nhiên, họ cũng thường thể hiện được sự sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, và khả năng tư duy vượt ra khỏi khuôn khổ cũng như học tập nhanh chóng – điều này có thể rất có ích trong môi trường làm việc cần sự nhạy bén.
Hội chứng Down
Hội chứng Down là một rối loạn di truyền dẫn đến sự thay đổi trong sự phát triển thể chất và trí tuệ. Những người mắc hội chứng Down thường có đặc điểm nhận dạng như mắt xếch, da thừa ở cổ và khả năng học tập chậm hơn so với trẻ em có thần kinh điển hình.
Tuy nhiên, họ cũng có thể phát triển các kỹ năng xã hội, nghề nghiệp và có cuộc sống đầy đủ khi nhận được sự hỗ trợ và giáo dục phù hợp.
Các rối loạn học tập
Các rối loạn học tập như chứng khó tính toán (dyscalculia), chứng khó đọc (dyslexia) hoặc chứng khó viết (dysgraphia) ảnh hưởng đến cách thức xử lý thông tin của cá nhân.
Những người neurodivergent mắc các rối loạn này có thể gặp khó khăn trong môi trường học tập truyền thống nhưng có thể xuất sắc trong những lĩnh vực yêu cầu giải quyết vấn đề hoặc trí thông minh không gian – hình ảnh.

>> Tham khảo: Phong Cách Học Tập (Learning Styles): Bạn Thuộc Phong Cách Nào?
Rối loạn phối hợp vận động (Dyspraxia)
Dyspraxia ảnh hưởng đến sự phối hợp vận động, khiến các công việc như viết lách, cài nút áo hoặc đi xe đạp trở nên khó khăn.
Những người mắc dyspraxia có thể gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động thể chất nhưng có thể xuất sắc trong các lĩnh vực khác yêu cầu kỹ năng nhận thức, chẳng hạn như lý luận trừu tượng và sáng tạo.
Hội chứng Tourette
Hội chứng Tourette đặc trưng bởi những các cử động cơ nhanh, đột ngột, lặp lại không có nhịp điệu, bao gồm cả âm thanh hoặc giọng nói không tự chủ, được gọi là các “tics”.
Những người mắc hội chứng này có thể gặp khó khăn trong các tình huống xã hội do các “tics” không thể kiểm soát của họ. Nhưng, họ cũng có thể có những điểm mạnh đặc biệt trong các lĩnh vực như sự tập trung, chú ý đến chi tiết, hoặc sáng tạo.
Một số rối loạn tâm thần khác
Một số rối loạn tâm thần, chẳng hạn như tâm thần phân liệt, đôi khi cũng được xem là một phần của cộng đồng neurodivergent.
Những rối loạn này có thể liên quan đến sự rối loạn trong tâm trạng, nhận thức, hành vi, và thường gặp khó khăn liên quan đến sự kỳ thị và sự hiểu lầm.
Những Khó Khăn Và Thách Thức Của Người Neurodivergent
Những người thần kinh khác biệt đối mặt với một loạt thách thức độc đáo, những thách thức này thường bị gia tăng bởi thái độ xã hội và những rào cản trong xã hội. Lịch sử cho thấy hầu hết những thách thức này xuất phát từ mô hình y tế – mô hình coi sự khác biệt thần kinh như một vấn đề cần phải “sửa chữa”, “điều trị”.
Mô hình y tế (Medical Model)
Mô hình y tế truyền thống đã đóng khung sự khác biệt thần kinh là bệnh lý, là rối loạn cần được điều trị hoặc chữa khỏi. Theo mô hình này, những người mắc các rối loạn phát triển thần kinh cần phải trở nên “bình thường” như người thần kinh điển hình – neurotypical.

Phương pháp này đã dẫn đến sự chú trọng vào các can thiệp y tế nhằm thay đổi cá nhân thay vì điều chỉnh xã hội để tạo điều kiện cho sự khác biệt của họ. Điều này càng làm gia tăng sự kỳ thị, phân biệt đối với những người có thần kinh khác biệt.
>> Tham khảo: Tự Kỷ Không Phải Là Bệnh: Nhận Thức Đúng Về Tự Kỷ Để Hỗ Trợ Tốt Hơn
Mô hình xã hội mạnh mẽ (Strong Society Model)
Mô hình xã hội của khuyết tật, ngược lại, đưa ra một góc nhận bao trùm hơn. Theo mô hình này, khuyết tật và khác biệt không phải là do cá nhân mà là do các rào cản xã hội ngăn cản họ tham gia vào các môi trường xã hội, giáo dục và nghề nghiệp.
Những rào cản này có thể bao gồm môi trường phân biệt đối xử, hoặc thiếu sự hiểu biết về nhu cầu của những người neurodivergent. Thay vì tập trung vào việc “sửa chữa” cá nhân, mô hình xã hội kêu gọi loại bỏ các rào cản xã hội và cung cấp các phương tiện hỗ trợ để giúp những người neurodivergent phát triển.
Sự kỳ thị xã hội và hiểu lầm
Một trong những thách thức lớn nhất mà những người neurodivergent phải đối mặt là sự kỳ thị từ xã hội. Rất nhiều người không hiểu rõ hoặc hiểu lầm về các tình trạng như tự kỷ, ADHD, và chứng khó đọc, dẫn đến định kiến, phân biệt đối xử và loại trừ.

Chẳng hạn, những người mắc tự kỷ có thể bị coi là “không hòa đồng” hoặc “không có cảm xúc” vì phong cách giao tiếp xã hội của họ khác biệt so với chuẩn mực thần kinh điển hình. Tương tự, những người mắc ADHD có thể bị coi là lười biếng hoặc thiếu trách nhiệm vì những khó khăn trong việc tập trung và tổ chức.
Những hiểu lầm này có thể cản trở người thần kinh khác biệt tiếp cận các cơ hội trong giáo dục, việc làm và các tình huống giao tiếp xã hội.
>> Tham khảo: 8 Quan Niệm Sai Lầm Về Tự Kỷ Mà Bạn Có Thể Gặp Phải
Thiếu hỗ trợ và phương tiện phù hợp
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy sự hoà nhập, nhưng nhiều người thần kinh khác biệt vẫn gặp phải rào cản lớn trong việc tiếp cận các hỗ trợ cần thiết.
Trong môi trường học tập, những học sinh khác biệt thường gặp khó khăn vì thiếu sự chú ý cá nhân hoặc các phương tiện giúp tiếp thu dễ dàng hơn. Ví dụ, học sinh mắc chứng khó đọc sẽ thấy các bài tập đọc rất khó khăn, nhưng trường học không cung cấp công nghệ đọc văn bản hoặc các công cụ hỗ trợ khác cho họ.
Trong công việc, họ có thể gặp khó khăn trong môi trường không được thiết kế phù hợp cho sự nhạy cảm về cảm giác hoặc phong cách giao tiếp khác biệt. Việc thiếu sự linh hoạt hoặc các kỳ vọng xã hội có thể làm cho những người thần kinh khác biệt khó phát triển tốt tiềm năng của mình.
Che giấu và ngụy trang (Masking)
Che giấu, hay ngụy trang, là một cơ chế đối phó khi những người thần kinh khác biệt cố tình kiềm chế hành vi, cảm xúc, hoặc đặc điểm thật sự của mình để hòa nhập vào xã hội thần kinh điển hình.

Chẳng hạn, những người tự kỷ có thể giấu đi các đặc điểm tự nhiên của mình hoặc kiềm chế nhu cầu về thói quen để hòa nhập với người khác. Mặc dù điều này có thể giúp họ tránh bị phán xét tiêu cực, nhưng về lâu dài, xu hướng này có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức (burnout) và các vấn đề về sức khỏe tinh thần, như lo âu, trầm cảm và thậm chí là t-ự t-ử (Cage & Troxell-Whitman, 2019).
Những Điểm Mạnh Và Sự Đóng Góp Của Người Thần Kinh Khác Biệt
Mặc dù người neurodivergent phải đối mặt với nhiều thách thức, họ có thể mang lại những tiềm năng và đóng góp nhất định cho xã hội. Hiểu và đón nhận những điểm mạnh này sẽ tạo ra một xã hội thấu hiểu, hoà nhập và trân trọng họ hơn.
Khả năng đổi mới và giải quyết vấn đề
Những người thần kinh khác biệt thường phát triển tốt trong các lĩnh vực đòi hỏi tư duy sáng tạo, chú ý đến chi tiết và giải quyết vấn đề. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người neurodivergent có thể tiếp cận công việc từ những góc nhìn độc đáo mà người thần kinh điển hình khó có thể nghĩ đến.
Ví dụ, những người mắc tự kỷ thường có khả năng tập trung xuất sắc vào các nhiệm vụ, đôi khi trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể. Sự tập trung sâu sắc và kiến thức chuyên biệt này có thể mang lại thành tựu lớn trong các lĩnh vực như công nghệ, toán học và khoa học.
Sáng tạo và tài năng nghệ thuật
Một số người neurodivergent thường thể hiện tài năng nghệ thuật xuất sắc. Khả năng suy nghĩ theo những cách mới mẻ và nhìn thấy các mẫu hình mà người khác không thể nhận ra là một đặc điểm phổ biến của những người thần kinh khác biệt.

Tài năng này có thể thể hiện rõ qua các hình thức sáng tạo như vẽ tranh, âm nhạc và viết lách.
Nâng cao sự đa dạng cho nơi làm việc
Nhiều kết quả nghiên cứu nhấn mạnh rằng khi các tổ chức đón nhận sự đa dạng thần kinh, họ có thể khai thác tài năng độc đáo của những người thần kinh khác biệt.
Chẳng hạn, với những người tự kỷ, họ có sự chú ý đến chi tiết, sự kỷ luật cao và giao tiếp chân thật, thẳng thắn và logic. Điều này có thể mang lại sự đóng góp vô giá cho sự phát triển của doanh nghiệp.
>> Tham khảo: Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý (ADHD) Ở Người Lớn
Vận động cho thay đổi hệ thống
Những người neurodivergent thường vận động cho sự chấp nhận và hoà nhập cho tất cả mọi người, bất kể sự khác biệt về mọi mặt, dù là thần kinh hay nhận thức.
Phong trào đa dạng thần kinh đã trở thành một lực lượng mạnh mẽ giúp thay đổi cách nhìn nhận của xã hội, thách thức các quan niệm lỗi thời và khuyến khích xã hội đón nhận sự khác biệt một cách bình đẳng.
Tương Lai Của Khác Biệt Thần Kinh: Đón Nhận Sự Thay Đổi
Tương lai của sự khác biệt thần kinh có nhiều hứa hẹn khi xã hội bắt đầu đón nhận những người neurodivergent. Họ không còn chỉ là những cá nhân “khác biệt”, mà là những thành viên quý giá trong một xã hội đa dạng và năng động. Một số lĩnh vực quan trọng sẽ quyết định quá trình thay đổi này.
Giáo dục hoà nhập và toàn diện
Một trong những thay đổi quan trọng nhất cần có là trong lĩnh vực giáo dục. Các hệ thống giáo dục hiện tại thường không hỗ trợ đầy đủ cho những học sinh khác biệt thần kinh. Điều này thường do việc thiếu phương tiện hỗ trợ hoặc vì phải tuân thủ các phương pháp học tập truyền thống, chuẩn hóa.
Tuy nhiên, khi nhận thức về sự đa dạng thần kinh tăng lên, ngày càng nhiều trường học và cơ sở giáo dục đang áp dụng các phương pháp giáo dục toàn diện và nâng cao sự hoà nhập. Sự thay đổi này rất quan trọng để đảm bảo rằng học sinh thần kinh đa dạng không chỉ được hỗ trợ mà còn được thử thách và học tập theo cách phù hợp với điểm mạnh của mình.

Xu hướng thay đổi trong nơi làm việc
Khi việc nghiên cứu và nâng cao nhận thức về đa dạng thần kinh phát triển, ngày càng nhiều công ty bắt đầu thực hiện các phương pháp tạo ra môi trường làm việc phù hợp hơn cho những người neurodivergent.
Điều này không chỉ bao gồm các phương tiện hỗ trợ vật lý như không gian làm việc yên tĩnh mà còn là sự thay đổi trong các phương pháp tuyển dụng để tập trung vào bản chất của kỹ năng, thay vì cách thức thể hiện kỹ năng theo cách điển hình. Các công ty cũng đang đầu tư vào đào tạo về sự đa dạng cho các nhà quản lý để giúp họ hiểu và đón nhận những điểm mạnh của nhân viên thần kinh khác biệt.
Sự vận động hướng tới xã hội bình đẳng hơn
Một lĩnh vực quan trọng khác là công tác vận động xã hội. Những người neurodivergent nên được tham gia vào việc hình thành các chính sách và lĩnh vực thực tiễn ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Khi ngày càng nhiều người thần kinh khác biệt gia nhập các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và chính sách công, sự thay đổi về hệ thống và quan niệm truyền thống sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Điều này bao gồm việc nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm kỳ thị và đảm bảo rằng những người thần kinh khác biệt có cơ hội bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.
>> Tham khảo: Sự Kỳ Thị Về Sức Khỏe Tâm Thần
Kết Luận
Tương lai của sự đa dạng thần kinh là một câu chuyện đầy hy vọng về sự thay đổi và trao quyền. Bằng cách thúc đẩy hệ thống giáo dục, tạo ra các môi trường làm việc hỗ trợ và vận động cho sự thay đổi xã hội, chúng ta có thể đảm bảo rằng những người thần kinh khác biệt có những cơ hội và phương tiện hỗ trợ cần thiết để phát triển đúng với tiềm năng của mình.
Đón nhận sự khác biệt không chỉ là thay đổi cách chúng ta nhìn nhận họ — mà là tạo ra một xã hội nơi sự đa dạng được chấp nhận, tôn vinh và cho tất cả mọi người cơ hội để thành công và phát triển theo cách riêng của mình. Sự thay đổi này có thể tạo ra một xã hội phát triển mạnh mẽ, sáng tạo, đa dạng và bền vững hơn.
Tham Khảo
Bewley, H., & George, A. (2016). Neurodiversity at work. Journal of Business and Psychology, 31(4), 577–587. Link to article.
Cage, E., & Troxell-Whitman, Z. (2019). Understanding the reasons, contexts, and costs of camouflaging for autistic adults. Journal of Autism and Developmental Disorders, 49(9), 3735–3746. https://doi.org/10.1007/s10803-018-03878-x.
Dwyer, P. (2022). The neurodiversity approach (es): What are they and what do they mean for researchers? Journal of Developmental Disabilities and Neurodiversity Research, 10(2), 200-213. Link to article.
Liên hệ với chúng tôi