​Phong cách làm cha mẹ ôn hòa (peaceful parenting)


Gia đình bạn vừa chào đón một em bé và bạn đang băn khoăn về cách nuôi dạy con?

Hoặc con của bạn đã lớn nhưng bạn chán ngán với việc phải thường xuyên la mắng trẻ? (Cũng có thể bạn nhận ra việc la hét không thực sự giúp thay đổi hành vi của con).

Dưới đây là một phương pháp bạn có thể thử: dạy con ôn hòa – một phương pháp nghe có vẻ khó khăn nhưng đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh và đáng để cân nhắc.

Hãy tham khảo bài viết này để thôi việc trừng phạt trẻ một cách mệt mỏi, thay vào đó, thúc đẩy những hành vi tốt từ bên trong chính đứa trẻ.



Định nghĩa về làm cha mẹ ôn hòa

Nuôi dạy con cái ôn hòa (peaceful parenting) là một triết lý giáo dục được nghiên cứu bởi Tiến sĩ Laura Markham, nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của blog nổi tiếng “Aha! Parenting”. Bạn cũng có thể đã biết về cuốn sách này của bà “Cha mẹ ôn hòa, trẻ hạnh phúc: Làm thế nào để không la hét và bắt đầu kết nối với con” xuất bản năm 2012.

Nhìn chung, quan niệm về nuôi dạy con cái ôn hòa bao gồm 3 yếu tố chính:

  • Điều hòa cảm xúc ở cha mẹ
  • Kết nối với con cái
  • Hướng dẫn thay vì kiểm soát con


Bao trùm định nghĩa về nuôi dạy con cái ôn hòa là chánh niệm (mindfulness). Điều này có nghĩa là bạn sẽ nhìn nhận vấn đề và sống trong khoảnh khắc hiện tại, trong gia đình, với con.

Hơn thế nữa, bạn cũng cần dành thời gian để nhận ra và tôn trọng những cảm xúc của chính mình, nhận ra rằng những trải nghiệm hoặc tổn thương trước đây có thể ảnh hưởng đến cách bạn phản ứng với con trong các tình huống.

Phương pháp này hướng đến việc cải thiện hành vi của con từ bên trong và xây dựng một mối quan hệ cha mẹ - con cái bền chặt. Mục tiêu của phương pháp này là cung cấp cho trẻ những yếu tố cần thiết để trẻ nhận biết cảm xúc của chính mình, từ đó có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn khi trưởng thành.

Cách áp dụng nguyên tắc làm cha mẹ ôn hòa

Dưới đây là các yếu tố góp phần tạo nên phương pháp này.

  1. Điều hòa cảm xúc ở chính cha mẹ

Điều đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần biết đó là: tính chủ quan và việc bạn cảm nhận về cảm xúc của mình có thể tạo nên hệ quả ứng xử khác nhau ở các tình huống nuôi dạy con.

Bạn có thể đã mơ hồ nhận ra điều này. Ví như khi bạn nhìn thấy đứa con nhỏ của mình, một lần nữa, lại đang chạy đến tủ bếp. Trong đầu bạn hình dung ra mớ hỗn độn đáng sợ đang chờ đợi mình. Cảm xúc căng thẳng của bạn leo thang từ 0 đến 60 chỉ vỏn vẹn trong 2 giây, và ngay lúc đó bạn rơi vào trạng thái báo động đỏ - cảnh giác cao độ.

Điều hòa cảm xúc có nghĩa là chúng ta sẽ hít thở sâu và bắt tay vào giải quyết tình huống hiện tại: Tại sao con bạn lại đi đến tủ bếp? Chúng có đói không? Hay chúng đang buồn chán? Hay chính cái tủ kia mới là vấn đề? Dù thế nào đi nữa, hãy điều hòa cảm xúc của chính bạn và xem xét xung quanh trước khi quyết định lớn tiếng với con.

Tiến sĩ Markham đã nhiều lần nói về sự tức giận như là một cảm xúc thứ phát của nỗi sợ hãi. Vì vậy, trong thời điểm bạn dừng lại để nhìn nhận, hãy tự hỏi bản thân, "Tôi đang sợ điều gì?". Tùy vào các tình huống, câu trả lời có thể không phải lúc nào cũng rõ ràng, hoặc không dễ để đối mặt.

Cha mẹ biết điều hòa cảm xúc của bản thân sẽ là tấm gương tuyệt vời cho con cái giúp chúng điều hòa cảm xúc của chính mình.

Tuy nhiên, ngay cả khi bạn đã điều hòa được cảm xúc bên trong mình, bạn vẫn có quyền cảm nhận và chia sẻ nó ra bên ngoài. Sự khác biệt ở đây đó là bạn đã dành thời gian để nhìn nhận bản thân, thay vì phản ứng ngay lập tức.

  1. Kết nối với con cái

Bạn có thể nghĩ rằng mình đang kết nối rất tốt với con, theo nghĩa đen, “24 giờ mỗi ngày, chúng bám chặt lấy tôi không chịu buông”

Ồ không, đây không phải câu chuyện về sự gắn bó vật lý như vậy, mà đó là vấn đề về mối quan hệ tình cảm mật thiết giữa cha mẹ và con cái.
Lần cuối cùng bạn cảm thấy thực sự kết nối với con là khi nào? Điều gì đang cản trở bạn kết nối với con mình?

Tiến sĩ Markham đưa ra một số ví dụ về việc kết nối với con cái như sau:

  • Gắn bó, gần gũi với trẻ nhỏ, cả về tình cảm và thể chất.
  • Tham gia 1:1 vào thời gian chơi “đặc biệt” với con mỗi ngày. Thời gian chơi này không cần quá lâu – chỉ 10 đến 20 phút cũng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.
  • Tắt ti vi, máy tính bảng, điện thoại và các thiết bị công nghệ khác khi tương tác với con.
  • Ưu tiên thời gian dành cho gia đình mỗi tối, ví dụ ăn tối cùng nhau.
  • Kết nối về mặt thể xác thông qua những cái ôm, cử chỉ gần gũi, và những cách thể hiện tình cảm khác.
  • Tạo ra những nghi thức độc đáo riêng của bạn và con, chẳng hạn như ôm ấp vài phút trước khi ra khỏi giường mỗi sáng.


Việc kết nối như vậy có thể giúp con bạn cảm thấy an toàn hơn. Chúng học được cách yêu thương bản thân và những người xung quanh. Tiến sĩ Markham giải thích rằng: sự kết nối là điều "giúp cho việc làm cha mẹ ôn hòa trở nên khả thi" bởi lẽ, nhờ có sự kết nối chặt chẽ, những đứa trẻ mới thực sự hợp tác và hành xử tốt.

  1. Hướng dẫn thay vì kiểm soát

Yếu tố cuối cùng trong phương pháp này có lẽ là một yếu tố khó nắm bắt nhất – hướng dẫn thay vi kiểm soát

Bạn có thể tự hỏi: “Làm thế nào mà con tôi có thể nghe lời mà không phải quát mắng, la hét?” Hay “Nếu không thể hiện quyền lực và trừng phạt liệu cha mẹ có trở nên yếu thế?” Điều thú vị là, trong cách nuôi dạy con cái ôn hòa, trẻ sẽ xuất hiện hành vi tốt và có sự tuân thủ khi cha mẹ chúng không lo sợ về việc có cần quát mắng trẻ hay không.

Sự hướng dẫn có thể giúp con bạn thay đổi hành vi của chúng, điều mà các hình thức trừng phạt hay xoa dịu tức thời không thể làm được. Chẳng hạn, khi bạn lấy đi chiếc iPhone của con ngay lập tức mà không nói gì, con bạn có thể sẽ tức giận và bực bội. Nhưng nếu trước đó bạn giải thích với con về điều gì khiến hành động đó là cần thiết, rồi mới lấy đi điện thoại, thì kết quả cuối cùng sẽ tốt hơn cho cả hai.

Nghe có vẻ không tưởng, nhưng bên cạnh những lợi ích đem lại cho cha mẹ, thì việc hướng dẫn con kết nối với cảm xúc của mình có thể giúp ích rất nhiều trong việc phát triển những hành vi tốt của trẻ về lâu dài.

Mục tiêu phương pháp này hướng tới là cung cấp cho trẻ vốn tri thức và sáng tạo, góp phần giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc và đưa ra được những lựa chọn tốt.



Lợi ích của việc làm cha mẹ ôn hòa

Tuy rằng chưa có bằng chứng cho thấy phương pháp nuôi dạy con cái ôn hòa ưu việt hơn những phương pháp khác, nhưng Tiến sĩ Markham đã chỉ ra những lợi ích đối với cha mẹ và con cái trong các gia đình đang thay đổi từ các hình thức giáo dục con truyền thống sang phương pháp này:

  • Nhìn chung, trẻ có nhiều khả năng cảm thấy hạnh phúc và có thể tự điều chỉnh tốt hơn. Trẻ thậm chí có thể hợp tác hơn mà không cần người lớn la mắng.
  • Do đó, việc quát mắng trong gia đình giảm đi đáng kể.
  • Gia đình gắn kết bền chặt hơn thông qua những hoạt động hướng đến sự kết nối.
  • Trẻ có thể trở thành những người trưởng thành thông minh hơn về mặt cảm xúc, biết suy xét sâu sắc, tự giác kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao.
  • Nhìn chung, cha mẹ có thể hình thành một mối quan hệ gắn kết với con cái trong suốt cả những năm tháng con trưởng thành và hơn thế nữa.
  • Ý tưởng cốt lõi của phương pháp nuôi dạy con cái ôn hòa liên quan đến định nghĩa về chánh niệm (mindfulness). Hiện đã có rất nhiều nghiên cứu về chánh niệm cho cá nhân và trong cả việc nuôi dạy con cái.


Một nghiên cứu tin cậy trên trẻ mẫu giáo ở Chile cho thấy chương trình giáo dục dựa trên chánh niệm không những mang lại lợi ích trong việc cải thiện chất lượng giao tiếp giữa cha mẹ - con cái, mà còn hiệu quả trong việc giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Các lợi ích khác có thể kể đến như: trẻ giảm bớt sự hiếu động thái quá, ít cảm giác trầm buồn hơn, giúp cải thiện sự hài lòng của bố mẹ trong việc nuôi dạy con.

Hạn chế của việc nuôi dạy con cái ôn hòa

Phương pháp này không có quá nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với trẻ em từ độ tuổi tập đi trở lên. Tuy vậy, phương pháp giáo dục này nhấn mạnh đến việc gắn bó với trẻ khi còn nhỏ, ví dụ như việc ngủ chung.

Ngủ chung làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), vì vậy các chuyên gia không khuyến khích việc này. Dẫu vậy, cha mẹ vẫn có thể thực hành các yếu tố khác của phương pháp nuôi dạy con cái theo hướng gắn bó, gần gũi (attachment parenting) - chẳng hạn như việc mặc quần áo cho con. Còn vấn đề ngủ chung, đơn giản là bạn có thể chọn các cách thức an toàn khác cho con.

Điều quan trọng là cần phải hiểu rằng không có phong cách nuôi dạy con cái nào là hoàn hảo cho tất cả mọi gia đình. Có một số ít các yếu tố của phương pháp làm cha mẹ ôn hòa có thể sẽ không phù hợp với bạn. Nhưng bạn cũng sẽ không nhất thiết phải quá lưu tâm cho đến khi bạn thử nó.

Nếu bạn thử nuôi dạy con cái ôn hòa và thấy không hiệu quả, hãy dành thêm một chút thời gian, đồng thời cũng nhìn nhận lại chính bản thân mình.

Patrick Coleman trên blog Fatherly đã chia sẻ rằng anh đã thử nuôi dạy con cái bằng phương pháp này. Nhìn chung, việc thực hành đó đã dẫn dắt anh ấy thấu hiểu kĩ càng hơn về chánh niệm và giúp anh có được sự đồng cảm với con. Việc anh ấy làm được như vậy cũng ảnh hưởng tích cực đến tất cả mọi người xung quanh.

Ví dụ về nuôi dạy con cái ôn hòa
Chính xác thì làm thế nào để áp dụng những điều này cho một đứa bé mới biết đi hay một thiếu niên cáu kỉnh?

Có thể bạn sẽ mất thời gian thực hành, đặc biệt nếu bạn đang trong quá trình thay đổi từ các phương pháp nuôi dạy con truyền thống. Dưới đây là một số ví dụ ngắn gọn giúp bạn hiểu rõ hơn.

  1. Trẻ mới biết đi:

Ví dụ tình huống con bạn 2 tuổi và cứ bám ở cửa hàng không chịu rời đi vì bạn không mua đồ chơi cho chúng:

  • Khi đang xếp hàng và con của bạn tự dưng la hét, có thể bạn vô cùng bực bội hay xấu hổ, nhưng hãy cố gắng thực hành chánh niệm vào lúc này và chấp nhận cảm xúc của bạn. Đếm nhẩm đến 5 hoặc hít thở sâu vài nhịp.
  • Cố gắng thừa nhận cảm xúc của trẻ và đặt mình vào vị trí của chúng, kèm theo đó hãy chia sẻ về những giới hạn của bạn với con. Bạn có thể nói: "Bố/mẹ hiểu rằng con muốn một món đồ chơi mới, nhưng không phải lần nào đến cửa hàng chúng ta cũng đều mua 1 món mới như vậy”.
  • Nếu trẻ vẫn la hét, hãy thử ôm trẻ. Cái ôm đó chính là lúc bạn đang kết nối với trẻ. Cảm xúc của trẻ sẽ được xoa dịu.
  • Trong thực tế, việc cố gắng nói chuyện với trẻ 2 tuổi về cảm xúc của chúng khi chúng đang giận dữ sẽ không hiệu quả. Cha mẹ cần cố gắng chọn thời điểm có thể trước hoặc sau tình huống đó, tránh phản ứng la mắng tức thì.

  1. Trẻ trong độ tuổi đi học

Tình huống đứa con 7 tuổi của bạn vừa vẽ sơn lên khắp tấm thảm trắng bạn mới mua, trong khi trước đó bạn đã dặn chúng không được làm như vậy:

  • Hãy kìm nén ý muốn la hét ngay lập tức về việc tấm thảm đắt tiền như thế nào, bạn có thể nói: “Bố/mẹ đang cố gắng bình tĩnh trước khi nói chuyện với con về những gì đang xảy ra”
  • Hãy cho trẻ cơ hội để giải quyết vấn đề. Trong tình huống này, bạn có thể hỏi con: “Chỗ này thật là lộn xộn. Chúng ta nên dọn dẹp chúng thế nào đây?”. Sau đó, hãy để con suy nghĩ và cùng con thảo luận các giải pháp.
  • Sau đó, bạn có thể nói đến vấn đề lớn hơn đang diễn ra – việc con đã sử dụng sơn mà không được phép. Thay vì trừng phạt, hãy giải thích với con về góc nhìn của mình, nói với con một số quy tắc của bạn với giọng điệu bình tĩnh, nhưng kiên định. Bạn thậm chí có thể đề nghị với con rằng từ lần sau, bạn sẽ sử dụng sơn cũng như các đồ dùng khác theo một cách riêng nào đó của bạn.

  1. Thiếu niên

Trong tình huống bạn nghĩ rằng đứa con 16 tuổi của mình đã đi uống rượu với bạn:

  • Hãy bình tĩnh đối mặt với điều đó. Cho dù bạn bắt gặp trực tiếp con mình đang uống rượu hay được nghe kể lại từ ai, hãy cố gắng quan sát cảm xúc của bạn khi biết tin ấy. Có thể bạn suy nghĩ: Trước đây mình đi học có từng phạm lỗi sai? Hoặc bạn lo lắng rằng con mình đang trở nên tệ nạn? Trước khi trở nên tức giận vì sợ hãi, hãy thừa nhận cảm xúc của chính bạn và cân nhắc nói ra những cảm xúc đó - một cách bình tĩnh.
  • Sự kết nối giữa cha mẹ và con cái ở độ tuổi teen sẽ giúp con bạn biết đưa ra quyết định độc lập và có trách nhiệm, thay vì chỉ phản đối những mong muốn của cha mẹ. Hãy chú ý nếu bạn nhận thấy con mình đang có sự thu mình hoặc đẩy bạn ra xa trong mối quan hệ. Sự kết nối ở đây mang ý nghĩa là một quá trình giao tiếp cởi mở, cha mẹ trở thành một người lắng nghe hơn là một người thuyết giảng.
  • Hãy tự nhắc nhở bản thân rằng những lựa chọn chưa đúng sẽ mang lại cho con bạn cơ hội phát triển. Trẻ vị thành niên phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ bạn bè và chúng chỉ đang học cách đưa ra những quyết định đúng đắn về thế giới xung quanh. Cha mẹ hãy cố gắng nói với con những hệ quả tích cực hay tiêu cực của hành vi, chẳng hạn như việc không sử dụng rượu ở tuổi vị thành niên sẽ có hệ quả tích cực ra sao.



Nguồn: What Is Peaceful Parenting? , Health Line

Vân Anh dịch

Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.

Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:

Hình ảnh một số hoạt động của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:


Related articles

Call to Action

Don’t hesitate to contact us. Our employees will contact you again in 24 hours. Your information will strictly be restricted for us to contact you and will not be leaked to any third parties.