Tham Vấn Đồng Đẳng Có Thể Hỗ Trợ Học Sinh Theo Cách Mà Người Lớn Không Thể

Các bậc cha mẹ thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về mặt tình cảm của trẻ vị thành niên. Nhiều trẻ vị thành niên lo lắng khi cha mẹ không hiểu hoàn cảnh của các em hoặc trong trường hợp các em cảm thấy mình phạm một lỗi lầm nào đó, các em có thể sợ rằng mình sẽ phải nhận hình phạt nếu nói thật. Đó là lý do tại sao nhiều phụ huynh ngày càng quan tâm đến các chương trình hỗ trợ đồng đẳng (hay hỗ trợ đồng trang lứa).

Các chương trình hỗ trợ tham vấn đồng đẳng là các buổi tham vấn tâm lý, trong đó, một học sinh lớn tuổi gặp gỡ một học sinh nhỏ tuổi hơn, lắng nghe vấn đề và đưa ra các phương án giải quyết vấn đề. Bệnh viện Nhi C.S. Mott tại Đại học Michigan đã tiến hành một cuộc khảo sát để đánh giá vai trò của phương pháp tham vấn đồng đẳng đối với sức khỏe tâm thần ở trẻ em.

Theo báo cáo, các chương trình hỗ trợ này đào tạo học sinh trở thành những người biết lắng nghe và có thể xác định các dấu hiệu cảnh báo tự tử hoặc các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác. Học sinh sẽ đóng vai trò vừa là người dẫn buổi tham vấn vừa là người tham vấn còn giáo viên, nhà tham vấn và chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ chỉ cung cấp sự hỗ trợ.

Phụ Huynh Nghĩ Gì Về Chương Trình Hỗ Trợ Đồng Trang Lứa?

Thuộc một phần của cuộc khảo sát, nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện C.S. Mott đã hỏi phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên về quan điểm của họ đối với các nhóm hỗ trợ đồng trang lứa này. Kết quả khảo sát cho thấy 72% phụ huynh tin rằng chương trình có thể hữu ích bằng cách khuyến khích con cái họ nói chuyện với bạn bè gần tuổi thay vì người lớn. Đại đa số, 76%, nói rằng bạn bè cùng trang lứa sẽ hiểu rõ hơn những gì mà con họ ở tuổi vị thành niên đang phải đối mặt hơn là các thầy cô trong trường học.

Mặc dù đa số ủng hộ các chương trình hỗ trợ đồng trang lứa nhưng nhiều người không tự tin rằng con mình có thể làm được. Khoảng 38% nói rằng có khả năng con họ sẽ tham gia trải nghiệm phương pháp tham vấn đồng đẳng, trong khi 41% cho rằng đó chỉ là một khả năng và 21% nói rằng điều đó là không thể.

Một số cha mẹ do dự vì họ không tin rằng một đứa trẻ ở độ tuổi vị thành niên có thể dễ dàng lắng nghe người khác (47%) và lo ngại về tính bảo mật (62%), trong khi 57% lo lắng rằng bạn bè đồng trang lứa sẽ không thể quyết định được khi nào cần người lớn tham gia trong trường hợp khẩn cấp.

Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu các bậc cha mẹ có ủng hộ con cái của họ trở thành những người tham vấn đối với các bạn đồng trang lứa hay không. Phần lớn các bậc cha mẹ cho biết họ sẽ cho phép, mặc dù một số bày tỏ lo ngại về việc liệu con họ có đủ trưởng thành để xử lý công việc, hay có được đào tạo đầy đủ không hoặc liệu con họ có cảm thấy phải chịu trách nhiệm nếu có điều gì tồi tệ xảy ra hay không.

Trẻ Vị Thành Niên Cần Có Cơ Hội Chia Sẻ

Nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở thanh thiếu niên là tự tử, và 1/5 trẻ vị thành niên đáp ứng các tiêu chuẩn về tình trạng sức khỏe tâm thần. Theo một báo cáo năm 2019 của CDC, 18,8% học sinh từng có ý định tự tử, và trong những năm gần đây, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên từ 14-19 tuổi đã tăng từ 6 lên 9,7 trên 100.000. Ngoài ra, trong năm 2018, 95.000 trẻ em được đưa vào phòng cấp cứu vì các hành vi tự làm hại bản thân.

Các tỷ lệ này tương đồng với các phản hồi cho cuộc khảo sát của Bệnh viện C.S. Mott. Cuộc khảo sát của họ cho thấy 40% các bậc cha mẹ trả lời rằng họ không thể biết con họ có đang phải đối mặt trầm cảm không hay chỉ đang trải qua những thay đổi tâm trạng bình thường, và 30% cho biết con họ rất giỏi che giấu cảm xúc của mình. Người ta phải tự hỏi liệu con số này có thay đổi không nếu trẻ nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè đồng trang lứa.

Một số cha mẹ có thể đánh giá quá cao khả năng của họ trong việc nhận biết xem con họ có bị trầm cảm hay không. Theo kết quả, những bậc cha mẹ quá tự tin có thể không nhận ra những dấu hiệu tinh tế cho thấy có điều gì đó không ổn — những dấu hiệu mà bạn bè đồng trang lứa của các em học sinh có thể phát hiện ra nhanh hơn.

Điều Này Có Nghĩa Là Gì?

Nhiều trường học đã triển khai các chương trình này như một cách để phát hiện các dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tâm thần và can thiệp vào ý định tự tử ở học sinh. Họ nhận ra sức mạnh mà những học sinh đồng trang lứa có thể mang đến.

Nếu trường học của con bạn không có chương trình hỗ trợ đồng trang lứa, việc khuyến khích giao tiếp cởi mở với con và nhận thức được những biểu hiện của các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ là rất cần thiết.

Các Cộng Đồng Sức Khỏe Tinh Thần Ủng Hộ Các Nhóm Hỗ Trợ Đồng Trang Lứa 

Varsia C. Russell, một nhà tham vấn cho trẻ vị thành niên được cấp phép, là người đề xuất các chương trình như vậy. Bà giải thích, “Vào thời điểm học sinh bước vào cấp hai, các bạn cùng lứa tuổi sẽ là nguồn hỗ trợ và mang lại cảm giác thân thuộc cho các em. Đó là lý do tại sao những chương trình này lại quan trọng. Học sinh có thể nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần, học tập và kỹ năng làm việc từ những học sinh lớn tuổi hơn, những người đã theo học tại trường ít nhất một năm. Những loại chương trình này dạy các kỹ năng mềm có lợi mà sẽ giúp mỗi đứa trẻ tiến xa hơn trong bất kỳ con đường sự nghiệp nào.”

Bạn bè đồng trang lứa có ảnh hưởng đến phong cách ăn mặc cũng như việc đưa ra quyết định tiêu cực của trẻ vị thành niên. Các nhóm hỗ trợ đồng trang lứa có thể chứng minh rằng áp lực từ bạn bè cũng có thể tác động theo hướng tích cực. Russell giải thích rằng các học sinh nhỏ tuổi hơn có thể học cách yêu cầu sự giúp đỡ từ một người mà các em cảm thấy tương đồng với bản thân.”

Bà cũng tin rằng phương pháp tham vấn đồng đẳng có thể phản ánh học sinh tốt hơn. Bà nói: “Trong nhiều tình huống, giáo viên có thể không giống với đa số học sinh, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu tin tưởng tổng thể, và những học sinh đồng trang lứa lớn tuổi hơn có thể giúp vượt qua một số thách thức này”.

Một Hệ Thống Hỗ Trợ Có Lợi Cho Các Bên

Hệ thống này có lợi đôi bên, với các học sinh lớn hơn học được các kỹ năng về trách nhiệm, sự đồng cảm và lãnh đạo. Các kỹ năng giao tiếp mà cả hai bên học được cũng là một phần thưởng khác.

“Các nhà lãnh đạo nhỏ tuổi có thể học cách giao tiếp dưới nhiều vai trò,” Russell nói. “Những tham vấn viên đồng trang lứa có thể giao tiếp với người lớn trong chương trình, cho chính các em, và đôi khi cho người bạn nhỏ tuổi của mình. Điều này đặc biệt quan trọng vì đây là một kỹ năng được sử dụng thường xuyên trong các vị trí quản lý và tự vận động.”

Trong khi mục tiêu trước mắt của các chương trình hỗ trợ đồng trang lứa là thúc đẩy một cộng đồng khỏe mạnh về tinh thần trong trường học thì những lợi ích lâu dài là một lý do khác khiến các chương trình như vậy trở nên phổ biến rộng rãi hơn.

Russell tin rằng hạn chế duy nhất của các chương trình hỗ trợ đồng trang lứa là khi các học sinh không phù hợp với nhau và không nhận ra các dấu hiệu của những vấn đề về tâm thần hoặc hành vi nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều này sẽ không phải vấn đề nếu có người giám sát và giao tiếp với các tham vấn viên đồng trang lứa.

Nguồn: Peer Counselling May Reach Teens in Ways That Adults Can't. Verywell Family (2021)

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/