PBIS (Positive Behavioral Interventions and Supports) toàn trường là một mô hình nhiều cấp bậc về can thiệp và hỗ trợ hành vi tích cực để giúp các trường học trở nên hiệu quả hơn. Mô hình này thiết lập một nền văn hóa xã hội và các nguồn hỗ trợ hành vi cần thiết để cải thiện kết quả xã hội, cảm xúc, hành vi và học tập cho tất cả học sinh. PBIS đủ linh hoạt để hỗ trợ các nhu cầu của học sinh, gia đình và cộng đồng.
Khi các trường triển khai PBIS, họ bắt đầu bằng việc triển khai mô hình này dưới diện toàn trường. Ba tính năng quan trọng – hệ thống, thực hành và dữ liệu – kết hợp cùng nhau để thúc đẩy môi trường tích cực, có thể dự đoán được và an toàn cho tất cả mọi người trong tất cả các môi trường học đường.
CÁC YẾU TỐ NỀN TẢNG CỦA PBIS
Bốn tính năng quan trọng của PBIS trên diện toàn trường bao gồm:
Kết quả có ý nghĩa địa phương và phù hợp với văn hóa
Các thực hành được chứng minh trên thực nghiệm
Hệ thống hỗ trợ việc thực hiện
Dữ liệu để giám sát tính hiệu quả và công bằng trong việc triển khai và để hướng dẫn việc ra quyết định.
Kết quả
Việc đặt ra các mục tiêu có thể quan sát và đo lường được sẽ giúp các trường tự chịu trách nhiệm trong việc tạo ra một môi trường mà mọi học sinh đều thành công. Các trường chọn kết quả hướng đến dựa trên dữ liệu mà họ thấy có ý nghĩa, công bằng về mặt văn hóa và tập trung vào thành tích của học sinh hoặc việc thực hiện ở cấp trường.
Thực hành
Các trường triển khai PBIS lựa chọn, triển khai, giám sát, đánh giá và điều chỉnh các thực hành được chứng minh trên thực tiễn mà họ áp dụng trong môi trường của mình. Cụ thể, họ đầu tư vào các hoạt động:
Được xác định với độ chính xác
Được ghi lại với cách áp dụng như thế nào và cho ai
Được ghi lại với các kết quả cụ thể
Được chứng minh qua nghiên cứu về mức độ hiệu quả
PBIS không phải là một chương trình giảng dạy hoặc can thiệp đóng gói nên các trường học triển khai các tính năng cốt lõi của các thực hành được chứng minh trên thực tiễn sao cho phù hợp với các giá trị văn hóa của trường học.
Khi nói đến thực hành trên diện toàn trường, các trường cần:
- Ghi lại tầm nhìn và cách tiếp cận chung để hỗ trợ và đáp ứng hành vi của học sinh trong một phát biểu về sứ mệnh hoặc tầm nhìn.
- Thiết lập 3-5 kỳ vọng tích cực trên toàn trường và xác định chúng cho từng lịch trình hoặc bối cảnh của trường.
- Có giáo trình dạy học rõ ràng về các kỳ vọng trong toàn trường và các kỹ năng xã hội, cảm xúc và hành vi quan trọng khác để giúp tất cả học sinh đạt được thành công.
- Thiết lập một chuỗi các chiến lược ghi nhận liên tục để cung cấp phản hồi cụ thể và khuyến khích hành vi phù hợp với ngữ cảnh.
- Thiết lập một chuỗi các chiến lược phản hồi liên tục để cung cấp phản hồi cụ thể, đào tạo lại hành vi phù hợp và ngăn cản hành vi không phù hợp với ngữ cảnh.
Hệ thống
Các trường đầu tư vào hệ thống hành chính, chuyên môn và tổ chức quan trọng để duy trì việc triển khai PBIS. Các hệ thống này tạo ra khả năng triển khai các thực hành Bậc 1, Bậc 2 và Bậc 3. Chúng cũng đóng vai trò là nền tảng để thiết lập:
- Cấu trúc nhóm
- Kế hoạch triển khai các thực hành
- Tuyển chọn nhân viên
- Quy trình đào tạo và tập huấn
- Quy trình giải quyết vấn đề dựa trên dữ liệu đang thu thập
Dữ liệu
Các trường áp dụng PBIS trong toàn trường thu thập và sử dụng dữ liệu để điều hướng việc thực hiện và đánh giá kết quả. Điều quan trọng là phải xem xét văn hóa và bối cảnh địa phương trong suốt quá trình ra quyết định để đảm bảo kết quả công bằng cho tất cả học sinh và nhân viên.
CÁC TẦNG BẬC CỦA PBIS TRÊN DIỆN TOÀN TRƯỜNG: HỖ TRỢ LIÊN TỤC
Loại và mức độ hỗ trợ hành vi được cung cấp cho các học sinh phải phù hợp với mức độ nhu cầu của học sinh đó. Khả năng đáp ứng của học sinh đối với các hỗ trợ về học tập và hành vi phải là điều hướng cho các quyết định hướng dẫn và can thiệp. Các trường thực hiện PBIS trong toàn trường phải tổ chức hỗ trợ hành vi trên nhiều cấp bậc, tăng cường độ khi cần thiết với nhu cầu của học sinh.
Bậc 1: Toàn trường
Hỗ trợ Bậc 1 được cung cấp cho tất cả học sinh và tập trung vào việc giảng dạy các kỹ năng xã hội cũng như các kỳ vọng về hành vi. Các trường nhìn nhận hành vi thích hợp của học sinh trong tất cả các môi trường học. PBIS Bậc 1 xây dựng một nền văn hóa xã hội nơi các học sinh kỳ vọng, thúc đẩy và củng cố hành vi phù hợp cho nhau. Khi được triển khai với sự trung thực, các hệ thống và thực hành PBIS Bậc 1 đáp ứng nhu cầu của 80% hoặc hơn trong số tất cả các nhu cầu của học sinh.
Bậc 2: Đối tượng mục tiêu
Hỗ trợ Bậc 2 tập trung vào những học sinh không thành công chỉ với hỗ trợ Bậc 1. Học sinh nhận được hỗ trợ Bậc 2 cần có thêm cơ hội được giảng dạy và thực hành để tăng khả năng thành công. Hỗ trợ bậc 2 thường thành công khi được áp dụng trong các nhóm. Ở cấp độ này, các hệ thống và thực hành là hiệu quả. Điều này có nghĩa là hệ thống và thực hành triển khai với các học sinh là như nhau và có thể được tiếp cận nhanh chóng. Các trường thường xuyên theo dõi độ trung thực và dữ liệu kết quả để điều chỉnh việc thực hiện khi cần thiết. Phạm vi hỗ trợ Bậc 2 điển hình bao gồm:
- Tự quản lý
- Kiểm tra đầu vào, kiểm tra đầu ra
- Hướng dẫn kỹ năng xã hội trong nhóm nhỏ
- Hỗ trợ học tập cho các đối tượng mục tiêu.
Thông thường, các trường cung cấp hỗ trợ Bậc 2 cho 5-15% học sinh.
Bậc 3: Chuyên sâu, cá nhân hóa
Bậc 3 chuyên sâu hơn và được cá nhân hóa. Trường học sử dụng các bài đánh giá chính thức sao cho phù hợp với các biện pháp can thiệp tùy vào chức năng hành vi. Các trường tạo ra các kế hoạch cá nhân kết hợp các điểm mạnh và điểm thiếu sót trong học tập của học sinh, tình trạng thể chất và y tế, nhu cầu sức khỏe tâm thần và sự hỗ trợ của gia đình / cộng đồng. Các kế hoạch hỗ trợ cần nhấn mạnh:
- Phòng ngừa các tình huống có vấn đề
- Hướng dẫn tích cực về các hành vi mới, thay thế và thích ứng
- Các chiến lược chính thức để công nhận hành vi mong muốn
- Các quy trình có hệ thống được củng cố để giảm khả năng xảy ra các hành vi có vấn đề
- Thói quen an toàn
- Thực hiện chính xác và bền vững
- Quy trình thu thập dữ liệu để đo lường mức độ trung thực và tác động
- Phối hợp giữa gia đình, cơ quan và các hệ thống chăm sóc khác.
Hỗ trợ Bậc 3 nhắm mục tiêu 3-5% học sinh có nhu cầu hỗ trợ cao nhất trong trường.
PBIS KHÁC VỚI KỶ LUẬT TRUYỀN THỐNG NHƯ THẾ NÀO?
Trong một ngôi trường có kỷ luật truyền thống, giáo viên thường điều chỉnh hành vi thông qua hình phạt. Ví dụ, một học sinh ném một quả bóng dính đầy nước bọt có thể bị phạt cấm túc. Sau đó, giáo viên và nhà trường sẽ kỳ vọng học sinh phải biết cách hành xử tốt hơn.
Một trường học áp dụng PBIS sẽ xử lý việc này theo một cách khác. Nhà trường sẽ xem hành vi như một hình thức giao tiếp. Trước khi học sinh ném một quả bóng đầy nước bọt, giáo viên có thể nhận thấy rằng học sinh này đang muốn được chú ý. Để giải quyết vấn đề này một cách tích cực, giáo viên có thể cho em cơ hội để chia sẻ ý kiến. Ngoài ra còn có hướng dẫn sau đó về cách học sinh được kỳ vọng sẽ tham gia vào lớp học.
Nếu học sinh vẫn tiếp tục có hành động không phù hợp và ném một quả bóng đầy nước bọt, nhà trường sẽ tạo ra một chiến lược để ngăn điều đó xảy ra lần nữa. Chiến lược này có thể là thời gian nghỉ giải lao để hạ hỏa hoặc nói chuyện với một cố vấn đồng đẳng. Trường thậm chí có thể cung cấp đào tạo cho các gia đình. Nhà trường theo dõi hành vi của học sinh và có thể thay đổi chiến lược nếu điều gì đó không hiệu quả.
PBIS không bỏ qua hành vi có vấn đề. Trường học vẫn sử dụng kỷ luật, nhưng hình phạt không phải là trọng tâm. Thay vào đó, trọng tâm là truyền đạt rõ các kỳ vọng, ngăn ngừa các vấn đề và áp dụng các hệ quả logic.
TẠI SAO TRIỂN KHAI PBIS TOÀN TRƯỜNG?
Cụ thể, PBIS được triển khai trong toàn trường có liên quan đến các kết quả sau:
Cải thiện thành tích học tập
Giảm các hành vi bắt nạt
Cải thiện năng lực xã hội - cảm xúc
Cải thiện kết quả xã hội và học tập cho học sinh khuyết tật
Giảm tỷ lệ lạm dụng rượu và ma túy ở học sinh
Giảm việc tham chiếu kỷ luật văn phòng, đình chỉ và các sự cố kiềm chế và tách biệt
Cải thiện kết quả của giáo viên, bao gồm nhận thức về hiệu quả của giáo viên; sức khỏe tổ chức trường học và môi trường học đường cũng như nhận thức về an toàn trường học
MỐI LO NGẠI VỀ PBIS
Hầu hết các chuyên gia cảm thấy rằng PBIS tạo ra những thay đổi để kỷ luật trường học trở nên tốt hơn. Họ đánh giá cao cách PBIS tập trung vào việc phòng ngừa và có kỳ vọng về hành vi rõ ràng.
Nhưng một số chuyên gia lo lắng về việc sử dụng phần thưởng, như phiếu đổi thưởng và giải thưởng, để đáp ứng các kỳ vọng về hành vi. Điều đáng lo ngại là việc khen thưởng những đứa trẻ có hành vi tốt sẽ khiến chúng tập trung vào việc nhận được phần thưởng chứ không phải hành vi. Điều này có thể làm tăng động lực bên ngoài chứ không phải bên trong của học sinh.
Hệ thống khen thưởng toàn trường cũng có thể loại trừ những học sinh gặp khó khăn trong hành vi. Nếu có một học sinh chật vật để đạt được kết quả nhưng không bao giờ nhận được phần thưởng hoặc nhận được ít hơn những người khác, điều này cũng tương đương với việc trừng phạt học sinh đấy. Điều này có thể làm nản lòng những đứa trẻ đang cố gắng học cách cư xử hết mình nhưng lại có những khó khăn riêng.
Trước những lo ngại, những người ủng hộ PBIS đã yêu cầu các trường không lạm dụng phần thưởng. Họ cũng chỉ ra rằng phiếu đổi thưởng chỉ là một công cụ mà các trường học có thể sử dụng. Trẻ em không nên bị mua chuộc để biết cách cư xử. Các trường học cũng đang cố gắng tìm cách để ghi nhận những học sinh còn gặp khó khăn nhưng đang từng bước tiến bộ.
10 LẦM TƯỞNG PHỔ BIẾN VỀ PBIS
PBIS đã được chứng minh về khả năng cải thiện môi trường học đường tại các trường học trên toàn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc giới thiệu PBIS cho một trường học có thể tạo phản ứng chống đối ở mức độ tương đối cao. Các nhà giáo dục có thể lo sợ rằng PBIS sẽ khiến họ không có phương tiện quản lý hành vi hiệu quả. Các nhà quản trị có thể miễn cưỡng và không muốn thay đổi hệ thống kỷ luật truyền thống. Thậm chí chính học sinh đôi khi cũng không đồng tình với phương pháp này vì PBIS có thể khác với trải nghiệm của các em về các tương tác trong trường học. Có rất nhiều lầm tưởng về PBIS khiến các trường học không thể triển khai PBIS. Đừng để những rào cản sai lầm đó cản đường bạn. Hãy cùng xem qua mười lầm tưởng thường thấy về PBIS.
Lầm tưởng #1:
PBIS thưởng cho học sinh vì những gì các em lẽ ra phải làm được.
Thực tế là nhiều học sinh không đến trường mà được trang bị sẵn những kỹ năng nền tảng mà các em cần để thành công. Có nhiều lý giải cho điều này, bao gồm xuất thân từ gia đình yếu thế, sự khác biệt văn hóa và các vấn đề về phát triển. Đối với nhiều người, trường học là nơi họ phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc phù hợp. PBIS giúp thiết lập các hành vi mà học sinh sẽ mang theo trong suốt cuộc đời.
Lầm tưởng #2:
“Tích cực” trong PBIS chỉ có nghĩa là phân phát đồ ăn vặt và các món quà khác bất cứ khi nào trẻ cư xử tốt.
Mặc dù bề ngoài có vẻ như chỉ tập trung vào phần thưởng, nhưng “Tích cực” trong PBIS thực sự đề cập đến việc chủ đích xây dựng một môi trường học tập hiệu quả và tiến bộ. Phần thưởng là phương tiện để thiết lập một môi trường tích cực, trong đó tất cả học sinh có thể phát triển. Về cốt lõi, việc triển khai thành công PBIS trên toàn trường giúp tạo dựng các mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh.
Lầm tưởng #3:
PBIS có nghĩa là các trường từ bỏ kỉ luật. Giáo viên không được phép kỉ luật những hành vi sai trái.
Người ta cho rằng các biện pháp trừng phạt hiếm khi tạo ra kết quả tích cực. Trên thực tế, các chính sách không khoan nhượng thường tạo ra tác dụng ngược lại so với ý định ban đầu. Một số nhà giáo dục coi PBIS là một chương trình không hiệu quả được thiết kế để nhân nhượng đối với những hành vi sai trái. Tuy nhiên, một hệ thống triển khai ba bậc toàn diện có thể ngăn những vi phạm nhỏ trở thành vấn đề lớn hơn. Kỷ luật chắc chắn có trong PBIS và được áp dụng rất chính xác liên quan đến các hành vi vi phạm.
Lầm tưởng #4:
PBIS chỉ có tác dụng với một số cấp học, không phải tất cả
PBIS có thể và hoạt động ở TẤT CẢ các cấp học - mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông! Trên thực tế, PBIS có thể được tìm thấy ở hơn 25% trường học trên khắp nước Mỹ. Cách khuyến khích và phần thưởng có thể khác nhau tùy thuộc vào cấp học, nhưng phản hồi của học sinh đối với việc ghi nhận hành vi tích cực là giống nhau.
Lầm tưởng #5:
Phần thưởng chỉ là một hình thức hối lộ.
Hối lộ nghĩa là một phần thưởng được đưa ra để đổi lấy một hành động bất hợp pháp. Phần thưởng được sử dụng trong PBIS là sự củng cố tích cực cho hành vi phù hợp trong môi trường trường học. Học sinh có hành vi không phù hợp sẽ không được cộng điểm.
Lầm tưởng #6:
Khi bạn ngừng khen thưởng một hành vi cụ thể, học sinh sẽ ngừng thực hiện hành vi cụ thể đó.
Tính nhất quán là chìa khóa trong PBIS. Thiết lập ma trận hành vi ngay từ đầu cho phép giáo viên tập trung vào và khen thưởng cho những hành vi cụ thể trong suốt năm học. Do đó, học sinh tiếp tục thực hiện các hành vi được PBIS thiết lập và được khuyến khích áp dụng vào cộng đồng lớn hơn.
Lầm tưởng #7:
PBIS chỉ là một “chương trình” mà các trường sẽ thử trong một thời gian và sau đó chuyển sang một thứ khác.
Có khả năng là các giáo viên kỳ cựu đã thấy nhiều chương trình hành vi được triển khai rồi kết thúc. Họ sẽ có kỳ vọng tương tự về PBIS. PBIS thường được gọi là “chương trình” hoặc “hệ thống” vì những thuật ngữ đó rất dễ hiểu. Nhưng PBIS không phải là một “chương trình” - đó là một khuôn khổ được xây dựng dựa trên các triết lý và quy trình hành vi được thiết kế để cải thiện môi trường học đường.
Lầm tưởng #8:
PBIS sẽ khiến cho giáo viên có nhiều trách nhiệm hơn
Nhân viên nhà trường có thể sợ rằng việc giám sát hành vi và điểm thưởng sẽ làm mất thời gian hướng dẫn và giảng dạy. Tuy nhiên, trong khuôn khổ PBIS, các hành vi mà được cộng điểm sẽ được thiết lập ngay từ đầu. Việc trao điểm trở nên đơn giản trong ngày, đặc biệt nếu bạn đang áp dụng Phần thưởng PBIS. Tăng cường kỷ luật sẽ mất thời gian hơn. Với ít thời gian dành cho kỷ luật và tham chiếu hơn, giáo viên sẽ có nhiều thời gian hơn để giảng dạy.
Lầm tưởng #9:
Chỉ có một cách để triển khai PBIS.
Nguyên lý trung tâm của bất kỳ mô hình PBIS nào là tập trung vào hành vi tích cực. Nội dung cụ thể của mô hình thay đổi theo từng trường. Trên thực tế, mỗi trường phải xây dựng ma trận hành vi của riêng mình và xác định các phản ứng thích hợp đối với những hành vi sai trái. Cứng nhắc áp dụng PBIS y hệt nhau ở các trường không giải quyết được những thách thức riêng mà mỗi trường phải đối mặt.
Lầm tưởng #10:
Việc thiết lập một “cửa hàng đổi thưởng” rất tốn kém và mất thời gian.
Có nhiều cách để thiết lập và lưu trữ một cửa hàng đổi thưởng ở trường học. Không phải tất cả các phần thưởng đều cần phải hữu hình - một việc đơn giản như việc tham gia ban lãnh đạo lớp trong một ngày không tốn chi phí cho nhà trường và có thể là một động lực rất lớn đối với học sinh. Có rất nhiều ưu đãi miễn phí hoặc chi phí thấp, và đôi khi có một số doanh nghiệp địa phương hợp tác với trường học để thưởng cho các em có hành vi tốt. Đổi điểm lấy phần thưởng cũng có thể đơn giản, đặc biệt nếu chương trình phần thưởng được tự động hóa với Phần thưởng PBIS.
BẮT ĐẦU TRIỂN KHAI…
Để bắt đầu triển khai PBIS trên diện toàn trường, hãy xác định một đội lãnh đạo đại diện. Đội này thường:
Hoàn thành các hoạt động chuẩn bị như đạt được sự đồng thuận của nhân viên và đánh giá hệ thống dữ liệu
Xác định các nguồn lực đào tạo và tập huấn có liên quan
Xây dựng kế hoạch hành động để điều hướng triển khai các thực hành, hệ thống và dữ liệu PBIS trong toàn trường
Triển khai phương pháp tiếp cận theo ngữ cảnh đối với PBIS để phù hợp với các giá trị và văn hóa của trường
Theo dõi, đánh giá và điều chỉnh việc triển khai một cách liên tục
Nguồn:
School-Wide. Center on PBIS (2021)
What is PBIS? Understood (2021)
Debunking Top Ten PBIS Myths (2021)
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0912.012.684 (Zalo, 24/7)
Email: daotao@tamlyvietphap.vn
Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn