Điều trị một người mắc chứng lo âu phụ thuộc vào bản chất của rối loạn lo âu và sở thích cá nhân. Thông thường, điều trị sẽ kết hợp các phương pháp trị liệu và thuốc khác nhau.
Ở một số người, việc lo lắng có liên quan mật thiết tới trầm cảm, việc sử dụng các chất kích thích, rượu bia và những điều kiện khác nên việc điều trị rối loạn lo âu cần phải đợi cho đến khi bản thân người ấy có thể kiểm soát mọi tình trạng tiềm ẩn.
Nhận biết các triệu chứng của việc lo lắng và thực hiện các bước để kiểm soát tình trạng này mà không cần hỗ trợ y tế nên là điều đầu tiên cần làm.
Tuy nhiên, nếu điều này không làm giảm tác động của các triệu chứng lo âu thì vẫn có các phương pháp điều trị khác.
Tự điều trị
Các bác sĩ khuyến nghị một số bài tập và kỹ thuật để đối phó với những cơn lo lắng ngắn hoặc tập trung, bao gồm:
• Quản lý căng thẳng: Hạn chế các tác nhân tiềm ẩn bằng cách kiểm soát mức độ căng thẳng trong công việc. Làm việc có tổ chức, sắp xếp những công việc cần làm một cách hợp lí và dành thời gian cho những việc khác.
• Kỹ thuật thư giãn: Một số biện pháp có thể giúp giảm các dấu hiệu lo âu, bao gồm các bài tập thở sâu, ngâm mình trong bồn tắm, thiền, yoga và nghỉ ngơi trong phòng tối.
• Bài tập thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực: Viết ra một danh sách những suy nghĩ tiêu cực và lập một danh sách những suy nghĩ tích cực khác để thay thế. Hình dung bản thân đang đối mặt và chinh phục một nỗi sợ hãi cụ thể cũng có thể mang lại lợi ích nếu các triệu chứng lo âu liên quan đến một yếu tố gây căng thẳng cụ thể.
• Kênh hỗ trợ: Nói chuyện với một người có thể giúp bạn giải tỏa, chẳng hạn như thành viên gia đình hoặc bạn bè. Tránh lưu trữ và kìm nén cảm giác lo lắng vì điều này có thể làm trầm trọng thêm chứng rối loạn lo âu.
• Tập thể dục: rèn luyện thể chất khiến bản thân trở nên năng động hơn, ngoài ra tập thể dục còn giúp bạn giải phóng năng lượng tích cực ra ngoài.
Tư vấn và trị liệu
Điều trị tiêu chuẩn cho vấn đề lo âu liên quan đến tư vấn và trị liệu tâm lý.
Có thể bao gồm liệu pháp tâm lý, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hoặc kết hợp giữa trị liệu và tư vấn.
CBT được sử dụng để giúp thay đổi các kiểu suy nghĩ có hại, gây ra rối loạn lo âu và cảm giác rắc rối, hạn chế suy nghĩ lệch lạc, thay đổi quy mô và cường độ của các phản ứng đối với các yếu tố gây căng thẳng.
Điều này giúp mọi người quản lý cách cơ thể và tâm trí của họ phản ứng với các tác nhân nhất định.
Tâm lý trị liệu là một phương pháp điều trị khác liên quan đến việc nói chuyện với một chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản về điều trị chứng rối loạn lo âu.
Thông qua những buổi tư vấn, chuyên gia sẽ tìm ra tác nhân của chứng lo lắng và đưa ra các giải pháp phù hợp
Phòng ngừa
Mặc dù cảm giác lo lắng sẽ luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều cách để giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu.
Thực hiện các bước sau đây sẽ giúp kiểm soát cảm xúc lo lắng và ngăn ngừa sự phát triển của rối loạn, bao gồm:
• Sử dụng ít caffeine, trà, soda và sô cô la.
• Kiểm tra với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc không kê đơn hoặc các thuốc thảo dược vì chúng có thể làm cho tình trjang lo âu trở nên tệ hơn.
• Chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng
• Ngủ đúng và đủ giấc
• Tránh uống rượu, sử dụng cần sa và các chất kích thích khác.