Trị Liệu Tâm Lý: Không Phải Ai Cũng Có Thể Hành Nghề

Xã hội càng phát triển, áp lực công việc ngày càng cao cùng với sự phức tạp của các mối quan hệ đã gây ra nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Đối mặt với việc này, con người cũng dần chú ý hơn tới các nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần (mental health).

Nhiều người muốn tìm kiếm sự hỗ trợ từ một nhà trị liệu tâm lý (Psychotherapist) để giải quyết những khó khăn của bản thân. Những vấn đề mà họ gặp phải thường tới từ chính tình trạng căng thẳng, bức bối trong tâm lý, tình trạng mất ngủ, lo âu kéo dài, lạm dụng chất kích thích hay suy nhược cơ thể,...

Tuy nhiên, nếu khó khăn đầu tiên là nhận thức về các vấn đề tâm lý thì trở ngại kế tiếp là đánh giá chất lượng dịch vụ mà các nhà trị liệu tâm lý mang lại.

Lợi dụng những thiếu sót trong nhận thức về các vấn đề trên, không ít kẻ đã tự “phù phép” mình trở thành nhà trị liệu tâm lý một cách dễ dàng. Thật vậy, trong thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, cộng đồng những người quan tâm đến sức khỏe tâm thần đã thể hiện sự bức xúc đối với thực trạng “thượng vàng hạ cám” của dịch vụ trị liệu tâm lý. Đã có nhiều cá nhân tự xưng là chuyên gia trong khi không có hoặc không đảm bảo đủ các bằng cấp chuyên môn cũng như kinh nghiệm có liên quan.

Rõ ràng, hành trình tìm kiếm nhà trị liệu uy tín và chất lượng không hề đơn giản. Nếu không có đầy đủ nhận thức về các tiêu chí hành nghề trị liệu tâm lý, chúng ta sẽ cảm thấy bối rối, hoang mang; thậm chí, việc tham gia trị liệu với một người không đủ trình độ chuyên môn có thể khiến các triệu chứng ngày càng nặng nề hơn.

Vì vậy, bài viết này hướng tới giúp bạn nhận biết thế nào là trị liệu tâm lý và những tiêu chí nghề nghiệp của công việc này để tránh mất tiền bạc và thời gian, đặc biệt giúp bạn tránh “đặt cược” bản thân vào những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần kém chất lượng. 

Thế Nào Là Nhà Trị Liệu Tâm Lý?

Theo từ điển Tâm lý học Hoa Kỳ, nhà trị liệu tâm lý là “một chuyên gia được đào tạo và được cấp phép để sử dụng các phương pháp tâm lý để điều trị các vấn đề rối nhiễu tinh thần, cảm xúc và hành vi. Một nhà trị liệu có thể là một nhà tâm lý lâm sàng, một bác sĩ tâm thần, một nhà tham vấn, hoặc một nhân viên công tác xã hội” (VandenBos, 2013).

Nhà trị liệu tâm lý sử dụng chủ yếu các hình thức giao tiếp và tương tác để đánh giá, chẩn đoán và điều trị các phản ứng cảm xúc, cách suy nghĩ và hành vi rối nhiễu. Tùy vào thế mạnh chuyên môn, nhà trị liệu có thể làm việc với các cá nhân, cặp đôi, gia đình hoặc các thành viên của một nhóm. Có nhiều loại liệu pháp tâm lý, nhưng nhìn chung nhà trị liệu tâm lý thường sử dụng 4 loại chính: liệu pháp tâm động học, liệu pháp nhận thức - hành vi, liệu pháp nhân văn và liệu pháp tâm lý tích hợp.

>>> Tham Khảo: Phân Biệt Bác Sĩ Tâm Thần Và Nhà Tâm Lý

Các Tiêu Chí Để Thực Hành Trị Liệu Tâm Lý?

Giống như các ngành dược học, y khoa, để thực hành trị liệu tâm lý cần rất nhiều bằng cấp chuyên ngành và kỹ năng. Vì chịu trách nhiệm trực tiếp về sức khỏe - tính mạng của một con người, nhà trị liệu không thể thiếu chuyên môn và thiếu kinh nghiệm đào tạo chuyên sâu. Họ buộc phải học tập và thực hành trong thời gian dài.

Một nhà trị liệu tâm lý cần được đào tạo qua nhiều năm (tối thiểu là 5 năm trở lên), được đánh giá kỹ năng bởi hội đồng chuyên môn, nắm vững các nguyên tắc đạo đức nghề, tham gia nghiên cứu và bắt buộc phải có giám sát định kỳ. Tại một số nước trên thế giới, chỉ có Tiến sĩ, Giáo sư mới được thực hành trị liệu tâm lý.

Hiện nay, có nhiều tiêu chí đánh giá năng lực hành nghề của một nhà trị liệu tâm lý, phụ thuộc vào yêu cầu đặc thù của từng quốc gia. Dưới đây là một số tham khảo về yêu cầu đối với một nhà trị liệu tâm lý tại các quốc gia đã phát triển:

Tại Hoa Kỳ

Theo Hiệp Hội Tâm lý học Mỹ (APA), chuẩn năng lực đầu ra mà một nhà trị liệu cần phải đạt gồm 6 lĩnh vực: (a) Lĩnh vực đánh giá; (b) Lĩnh vực can thiệp; (c) Lĩnh vực tư vấn; (d) Lĩnh vực nghiên cứu; (e) Lĩnh vực giám sát/giảng dạy và (f) Lĩnh vực điều hành/quản lý chuyên môn.

Bên cạnh chuẩn năng lực, APA cũng chỉ ra các tiêu chuẩn về đạo đức hành nghề ngành Tâm lý, bao gồm 05 nguyên tắc chung: (1) Có ích và không gây hại; (2) Trung thực và trách nhiệm; (3) Liêm chính; (4) Công bằng; và (5) Tôn trọng quyền và nhân phẩm (APA, 2016).

Để được chấp nhận hành nghề, người làm tâm lý tại Mỹ cần đáp ứng được một số tiêu chí như sau (Dittman, 2004):

(1) Có bằng Tiến sĩ về Tâm lý học;

(2) Tích luỹ đủ 1500-6000 giờ thực hành có giám sát, phụ thuộc vào yêu cầu của liên bang;

(3) Thực hiện bài Đánh giá cho Nhà thực hành Tâm lý chuyên nghiệp (Examination for Professional Practice in Psychology - EPPP);

(4) Thực hiện bài thi về Luật học nếu được yêu cầu, phụ thuộc vào yêu cầu của Bang.

Tại Anh Quốc

Hiệp hội tâm lý học Anh (BPS - The British Psychology Society) đã đề ra những tiêu chí rõ ràng để công nhận một nhà trị liệu tâm lý đủ trình độ, năng lực cũng như kinh nghiệm để được phép hành nghề tại Anh. Để trở thành Thành viên được công nhận, cá nhân phải trải qua lộ trình đào tạo lâm sàng, cần tốt nghiệp bằng Tiến sĩ Tâm lý được Hiệp hội BPS công nhận hoặc khóa học chuyển đổi.

Các tiêu chuẩn thiết yếu mà nhà trị liệu tại Anh cần đáp ứng bao gồm:

(1) Chuẩn đầu ra về kiến thức và quá trình đào tạo, một số yêu cầu tiêu biểu như: Đào tạo trình độ tiến sĩ hoặc sau đại học về tâm lý học lâm sàng được BPS công nhận; hiểu biết về thiết kế và phương pháp nghiên cứu; có kiến thức cao về lý thuyết và thực hành của ít nhất hai liệu pháp tâm lý chuyên biệt; v.v.

(2) Chuẩn đầu ra về kinh nghiệm, một số yêu cầu tiêu biểu: có kinh nghiệm làm việc với nhiều cá nhân, tiếp xúc với mọi mức độ nghiêm trọng; thể hiện kinh nghiệm được giám sát về nghiệp vụ (ví dụ: đánh giá lâm sàng, nghiên cứu đánh giá, các dự án nâng cao chất lượng); kinh nghiệm trong bối cảnh của một nhóm chuyên viên đa ngành; kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo và/hoặc giám sát chuyên môn và lâm sàng; v.v.

(3) Chuẩn đầu ra về những kỹ năng thiết yếu, một số yêu cầu tiêu biểu: kỹ năng phân tích & phán đoán với khả năng diễn giải, so sánh; khả năng sử dụng các phương pháp can thiệp và đánh giá tâm lý phức tạp, thường xuyên đòi hỏi sự tập trung cao độ; khả năng truyền đạt thông tin hiệu quả, chuyên môn cao về mặt lâm sàng cho thân chủ, gia đình, người chăm sóc của họ và các đồng nghiệp chuyên nghiệp; v.v.

Tại Úc

Bên cạnh Hoa Kỳ và Anh Quốc, nước Úc cũng ban hành những tiêu chí rõ ràng về đào tạo, kiến thức, đánh giá và can thiệp để đảm bảo chất lượng thực hành của các nhà trị liệu tâm lý (Taft, 2007).

Những yêu cầu về đào tạo cho nhà trị liệu tâm lý đó chính là sau khi tốt nghiệp chương trình học 4 năm, họ cần lựa chọn một trong 5 định hướng (i) 2 năm có giám sát hoặc 1 năm thạc sĩ; (ii) 1 năm thực tập có giám sát); (iii) bằng thạc sĩ/ (iv) bằng thạc sĩ kết hợp với chương trình đào tạo tiến sĩ hoặc (v) chương trình tiến sĩ. Tiếp đó, để được công nhận là một nhà trị liệu, họ cần thực hành kết hợp giám sát trong 1 tới 2 năm (tuỳ thuộc vào quá trình học trước đó).

Các nhà trị liệu tâm lý tại Úc cũng cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể và chi tiết khác trong quá trình hành nghề như kiến thức, khả năng đánh giá và khả năng can thiệp.

Tại Singapore

Để trở thành một nhà trị liệu tâm lý tại Singapore (Singapore Register of Psychologist - SRP), Hiệp hội Tâm lý Trị liệu và Tham vấn Singapore đưa ra những yêu cầu cần phải đạt được như sau:

(1) Bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng được công nhận bởi các cơ quan kiểm định tâm lý học ở quốc gia hoặc khu vực.

(2) Là một thành viên chính thức của SPS (Singapore Psychological Society).

(3) Đáp ứng một trong hai đánh giá sau: Đáp ứng các yêu cầu thực tế của SRP hoặc đã được cấp phép hành nghề như một nhà trị liệu tâm lý học chuyên nghiệp tại Úc, Canada, New Zealand, Anh hoặc Mỹ. Trong đó yêu cầu đào tạo thực hành có giám sát không ít hơn 400 giờ trong nhiều môi trường khác nhau

(4) Các tiêu chuẩn về kỹ năng ứng xử.

(5) Các tiêu chuẩn về năng lực.

Tại Việt Nam

Tâm lý học nói chung và trị liệu tâm lý nói riêng vẫn là một lĩnh vực non trẻ tại Việt Nam. Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết Định ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, trong đó xác định chức danh Nhà tâm lý học (mã nghề 2634) với các mô tả về một số chức năng nhiệm vụ chủ yếu và được phân biệt rõ với nghề Bác sĩ tâm thần (mã nghề 22128).

Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm cung cấp các dịch vụ tham vấn, trị liệu tâm lý tại Việt Nam lại đang phát triển theo xu hướng tự phát và chưa tuân theo bất cứ một quy chuẩn khoa học nào. Đồng thời, các tiêu chí nghề nghiệp dành cho các nhà trị liệu tâm lý khi thực hành chuyên môn là chưa có.

Thực tế, không phải tất cả các “nhà chữa lành tâm hồn” hay “chuyên gia tâm lý” tự xưng đều được đào tạo bài bản, thông qua kiểm tra và được công nhận bởi một tổ chức uy tín. (Được công nhận có nghĩa là họ tham gia học tập tại các trường Đại học đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục và đào tạo nghiêm ngặt.)

Nhiều cá nhân tự gọi mình là nhà trị liệu, nhà tham vấn sau khi tham gia một buổi workshop hoặc hoàn thành khóa học ngắn hạn trên mạng mà không được kiểm tra, được đánh giá năng lực hoặc chưa được giám sát lâm sàng trong bất kỳ công việc nào. Thậm chí một số khóa học có thể gian lận, đồng nghĩa là những “chứng chỉ” bạn thấy có thể không đáng tin.

Vì vậy, bạn cần cẩn trọng với những nhà trị liệu tâm lý chỉ có “cái mác” mà không đáp ứng trình độ đào tạo tối thiểu hoặc không có bất kỳ kinh nghiệm lâm sàng nào.

>>> Tham Khảo: Thế Nào Là Tâm Lý Học Lâm Sàng

Quyền Lợi Của Bạn

Hãy luôn nhớ rằng, bạn có quyền yêu cầu nhà trị liệu tâm lý cung cấp thông tin về trình độ đào tạo, bằng cấp và kinh nghiệm của họ. Thực tế, một nhà trị liệu giỏi sẽ hoan nghênh và cởi mở với các câu hỏi của bạn.

Khi bắt đầu cuộc trò chuyện với nhà trị liệu tâm lý, bạn có thể hỏi về một số điều sau:

  • Họ có phải là nhà trị liệu tâm lý có bằng cấp (Thạc sĩ trở lên) được cấp bởi trường đại học uy tín? Trong quá trình đào tạo, họ có được giám sát bởi nhà chuyên môn cấp cao hơn không?

  • Họ thực tập trong bao nhiêu lâu? Họ đã hành nghề được bao nhiêu năm?

  • Đối tượng họ làm việc là ai? Nam giới, phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên, các cặp đôi hay gia đình?

  • Lĩnh vực chuyên môn của họ là gì? Họ có kinh nghiệm làm việc với những người có dấu hiệu hoặc vấn đề như bạn không?

  • Cách tiếp cận trị liệu của họ là gì? Phương pháp họ sử dụng đã được khoa học chứng minh là có hiệu quả để giải quyết vấn đề của bạn hay chưa?

Nếu bạn có mối quan tâm đặc biệt nào khác, hãy hỏi nhà trị liệu của bạn. Ví dụ, bạn có thể muốn làm việc với một nhà trị liệu có cùng quan điểm tôn giáo hoặc văn hóa với bạn. Những phản hồi của nhà trị liệu sẽ cung cấp cho bạn thông tin quan trọng về việc liệu hai bên có phù hợp và làm việc với nhau hiệu quả hay không.

Tìm Nhà Trị Liệu Tâm Lý Đáng Tin Cậy

Có nhiều cách để tìm một nhà trị liệu tâm lý uy tín, bạn có thể:

  • Hỏi những người đáng tin cậy trong gia đình hoặc bạn bè;

  • Tìm kiếm các trang web về tâm lý học (và chọn lọc thông tin dựa trên tư duy phản biện);

  • Tham khảo ý kiến ​​của một trường đại học có khoa tâm lý học;

  • Gọi cho hiệp hội tâm lý, bệnh viện tâm thần tại địa phương của bạn.

Mặc dù có những cá nhân không đủ tiêu chuẩn vẫn tự xưng mình là chuyên gia tâm lý, nhưng cũng có rất nhiều người đã và đang làm việc đúng trình độ, năng lực của bản thân. Các nhà trị liệu có thái độ chuyên nghiệp và trình độ chuyên môn sâu là những người được đào tạo bài bản, và họ luôn cẩn trọng trong các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần, tuân thủ các tiêu chuẩn trị liệu theo quy định.

Ngoài việc cần nâng cao chất lượng đào tạo/chuẩn đầu ra của những nhà trị liệu tâm lý, chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiêu chí của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung. Đặc biệt, việc từ chối sử dụng và phản ánh dịch vụ của những cơ sở kém chất lượng, không đạt chuẩn là cần thiết để xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đảm bảo mỗi cá nhân đều có cơ hội tiếp cận và chữa lành các tổn thương tinh thần một cách đúng đắn. 

>>> Tham Khảo: Đồng Hành Cùng Chuyên Gia Tâm Lý

Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.

Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0912.012.684  (Zalo, 24/7)

Email: daotao@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/