Rối Loạn Hoang Tưởng (Delusional Disorder) Là Gì?

Rối loạn hoang tưởng là một trong các rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi sự hiện diện của những ảo giác, những niềm tin vững chắc vào một điều gì đó không có thật.

Rối Loạn Hoang Tưởng Là Gì?

Rối loạn hoang tưởng (delusional disorder), trước đó được gọi là rối loạn nhân cách hoang tưởng (paranoid disorder) là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Rối loạn hoang tưởng đặc trưng bởi sự hiện diện của những ảo giác, những niềm tin vững chắc vào một điều gì đó không có thật.

Đây là một dạng rối loạn tâm thần tương đối hiếm so với các rối loạn khác như rối loạn lưỡng cực hay tâm thần phân liệt. Nguy cơ mắc rối loạn hoang tưởng trong dân số nói chung ước tính trong khoảng 0.05% - 0.1%. Giai đoạn khởi phát rối loạn này dao động từ 18 - 90 tuổi, với độ tuổi trung bình là khoảng 40 tuổi, xảy ra ở cả nam giới và nữ giới.

Dấu Hiệu Và Triệu Chứng

Người mắc rối loạn hoang tưởng có một hoặc nhiều suy nghĩ ảo tưởng không kỳ lạ (tình huống không có thật nhưng cũng không phải là không thể xảy ra) trong 1 tháng trở lên mà không thể giải thích được bằng bất kỳ tình trạng nào khác. Những suy nghĩ ảo tưởng này liên quan đến các tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống thực, chẳng hạn như bị ai đó theo dõi, bị đầu độc, bị lừa dối, người khác lên kế hoạch chống lại, hoặc được ai đó yêu thầm. Tuy nhiên, trên thực tế, các tình huống ấy là không đúng sự thật hoặc bị phóng đại quá mức.

Một điều đáng chú ý là ở những người mắc rối loạn hoang tưởng, các triệu chứng ảo tưởng không có ảnh hưởng rõ rệt tới chức năng và hành vi của họ. Vì vậy, họ có thể tiếp tục hòa nhập với xã hội và hoạt động khá bình thường, nhìn chung không cư xử kỳ quái một cách rõ ràng. Đây là điểm khác biệt giữa rối loạn hoang tưởng và các rối loạn tâm thần khác cũng bao gồm triệu chứng ảo tưởng.

Khi nghi ngờ bản thân hoặc ai đó gặp rối loạn hoang tưởng, bạn có thể ghi nhận một số dấu hiệu như:

  • Khăng khăng bảo vệ niềm tin: Sẵn sàng tranh luận để bảo vệ niềm tin của bản thân, cho dù đó là niềm tin phi lý và có những bằng chứng (khoa học và thực tế) phủ định điều đó. Cho dù mọi người xung quanh niềm tin ấy là không hợp lý, nhưng cá nhân vẫn không chấp nhận lập luận và bằng chứng từ họ.

  • Cáu gắt: Có thể cảm thấy thất vọng khi bị người khác phủ định hoặc không muốn nghe về quan điểm ủng hộ niềm tin.

  • Mong muốn sự tham gia của chính quyền: Có thể cảm thấy chính quyền là kẻ thù hoặc đồng minh hùng mạnh của bản thân. Cá nhân có thể thực hiện các hành vi như gọi điện tới các cơ quan nhà nước, đến thăm chính quyền địa phương, tổ chức biểu tình…

  • Hành động thái quá: Thực hiện các hành vi thái quá; nếu như không được phản hồi, cá nhân sẽ tự tìm lý do để thuyết phục bản thân. Ví dụ, nếu một người có ảo tưởng rằng mình đang trong mối quan hệ với một người nổi tiếng, người đó có thể viết và gửi hàng trăm lá thư tới cho đối phương.

  • Hành động không đúng mực: Có thể có các hành động không đúng mực tới mọi người, hoặc ngược lại, nhận được những hành động chống lại từ người khác (chẳng hạn như cấm cản, gây hấn,…). Trong một số trường hợp, những niềm tin sai lệch có thể dẫn đến những hành vi bạo lực hay gây hại cho chính bản thân người mắc rối loạn hoang tưởng và những người xung quanh.

Mức độ nghiêm trọng của rối loạn hoang tưởng được đánh giá thông qua định lượng các triệu chứng chính của rối loạn tâm thần, bao gồm ảo tưởng, ảo giác, lời nói vô tổ chức, hành vi tâm lý bất thường và các triệu chứng tiêu cực. Mỗi triệu chứng này có thể được đánh giá theo mức độ nghiêm trọng trong vòng 7 ngày gần nhất theo thang điểm từ 0 (không xuất hiện) đến 4 (đang diễn ra nghiêm trọng).

LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc rối loạn hoang tưởng, hãy tìm gặp nhà tâm lý tại các cơ sở đánh giá & điều trị tâm lý/tâm thần uy tín để có kết luận chính xác.

Các Chứng Hoang Tưởng Và Biểu Hiện

Dạng Hoang Tưởng Được Yêu (Erotomanic Type)

Người mắc rối loạn hoang tưởng được yêu luôn có suy nghĩ rằng mình là người quan trọng, tin rằng người khác (thường là những người nổi bật trong xã hội như hoa khôi trong trường, cấp trên ở công ty…) yêu mình. Những người này thường sống khép kín, phụ thuộc, bị ức chế tình dục với mức độ hoạt động xã hội và/hoặc hoạt động nghề nghiệp kém.

Dạng Hoang Tưởng Tự Cao (Grandiose Type)

Người mắc rối loạn hoang tưởng tự cao luôn tin rằng mình có một tài năng hoặc hiểu biết sâu sắc nào đó (nhưng chưa được công nhận) hoặc đã thực hiện một số khám phá quan trọng, mặc dù trên thực tế không có gì chứng minh được. Với sự chi phối của những niềm tin sai lệch này, họ cũng sẽ có những hành vi tương ứng, chẳng hạn như luôn nỗ lực để khiến người xung quanh chấp nhận “tài năng” của mình.

Dạng Hoang Tưởng Ghen Tuông (Jealous Type)

Người mắc rối loạn hoang tưởng ghen tuông luôn có sự nghi ngờ rằng vợ/chồng/đối tác của mình không chung thủy dựa trên những sự việc vụn vặt, phi lý. Mối quan tâm lớn nhất của họ trong các mối quan hệ tình cảm là tìm kiếm bằng chứng chứng tỏ đối phương không chung thủy. Tuy nhiên, họ chỉ nhìn thấy những gì họ muốn thấy mà không xem xét sự hợp lý của các bằng chứng liên quan. Dạng rối loạn này phổ biến ở nam giới hơn nữ giới, đôi khi nó có thể liên quan tới ý định tự tử hoặc sát hại người khác.

>>> Tham Khảo: Ghen Tuông, Ganh Tị, Đố Kỵ: Cảm Xúc Gắn Với Sự So Sánh & Tương Phản

Dạng Hoang Tưởng Bị Hại (Persecutory Type)

Đây là một trong những dạng rối loạn hoang tưởng phổ biến nhất. Người mắc rối loạn hoang tưởng bị hại luôn bị ám ảnh rằng họ (hoặc người quen của họ) đang bị người khác lên kế hoạch chống lại, lừa dối, theo dõi, đầu độc, quấy rối hoặc cản trở trong cuộc sống. Do đó, họ luôn ở trong trạng thái căng thẳng, dễ kích động và thường xuyên nghi ngờ, chống đối người khác.

Dạng Hoang Tưởng Về Thân Thể (Somatic Type)

Người mắc rối loạn hoang tưởng về thân thể luôn có cảm giác cơ thể của mình có gì đó không bình thường. Loại hoang tưởng về thân thể phổ biến nhất là ảo tưởng về sự lây nhiễm của ký sinh trùng, ảo tưởng về dị dạng cơ thể và mùi cơ thể hoặc chứng hôi miệng. Những người mắc rối loạn này có thể mất hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm để đi gặp từ bác sĩ này sang bác sĩ khác, từ chuyên gia này sang chuyên gia khác, tìm kiếm sự xác nhận về tình trạng thực tế của họ

Dạng Hoang Tưởng Kết Hợp (Mixed Type)

Người mắc loại rối loạn hoang tưởng này có hai hoặc nhiều hơn những loại hoang tưởng được liệt kê ở trên, nhưng không có dạng nào trong đó là chiếm ưu thế hơn. 

Dạng Hoang Tưởng Không Biệt Định (Unspecified Type)

Dạng hoang tưởng này được áp dụng để chẩn đoán cho những cá nhân có triệu chứng không thể được xác định rõ ràng hoặc không được mô tả trong các loại hoang tưởng cụ thể được liệt kê ở trên.

LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc rối loạn hoang tưởng, hãy tìm gặp nhà tâm lý tại các cơ sở đánh giá & điều trị tâm lý/tâm thần uy tín để có kết luận chính xác.

Nguyên Nhân Nào Gây Ra Rối Loạn Hoang Tưởng?

Cũng như nhiều chứng rối loạn tâm thần khác, nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn hoang tưởng vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy có mối liên hệ giữa rối loạn hoang tưởng và các yếu tố di truyền, yếu tố sinh học, yếu tố tâm lý - xã hội.

Yếu Tố Di Truyền

Rối loạn hoang tưởng xảy ra phổ biến hơn ở những người có thành viên gia đình mắc rối loạn hoang tưởng hoặc tâm thần phân liệt, điều này cho thấy yếu tố di truyền có thể là một trong những nguyên nhân liên quan đến rối loạn này. Các nhà nghiên cứu cho rằng rằng, cũng giống như các rối loạn tâm thần khác, việc khởi phát rối loạn hoang tưởng có thể được di truyền từ cha mẹ sang con cái của họ.

Yếu Tố Sinh Học

Sự bất thường trong các khu vực kiểm soát nhận thức và suy nghĩ của não bộ có thể dẫn tới các triệu chứng ảo tưởng. Sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh cũng có liên quan tới rối loạn hoang tưởng - nó cản trở việc truyền thông tin trong não.

Yếu Tố Tâm Lý - Xã Hội

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chứng rối loạn hoang tưởng có thể khởi phát từ nguyên nhân căng thẳng. Việc lạm dụng rượu hay ma túy cũng có thể dẫn tới rối loạn này. Ngoài ra, sự cô lập xã hội (chẳng hạn như ở những người nhập cư hay người khuyết tật), đố kỵ, mất lòng tin, nghi ngờ và lòng tự trọng thấp khi phát triển đến mức không thể chấp nhận được sẽ dẫn đến việc hình thành các triệu chứng ảo tưởng như một lời giải thích cho các tình huống, hoàn cảnh của mình. 

Điều Trị Rối Loạn Hoang Tưởng

Việc điều trị rối loạn hoang tưởng là không hề dễ dàng, một phần bởi những người mắc rối loạn này thường có nhận thức kém và không biết mình đang gặp vấn đề. Thông thường, chứng rối loạn hoang tưởng được điều trị bằng hoặc/và các liệu pháp tâm lý. Đối với những người có các triệu chứng ở mức độ nghiêm trọng; hoặc có nguy cơ gây tổn thương bản thân hay người khác có thể cần nhập viện điều trị cho tới khi tình trạng được ổn định.

Các loại thuốc chính được sử dụng để điều trị chứng rối loạn ảo tưởng được gọi là thuốc chống loạn thần, dùng để điều chỉnh lượng chất dẫn truyền thần kinh trong não, ngăn chặn sự phát triển của triệu chứng ảo tưởng. Các nghiên cứu cho thấy gần một nửa số người mắc rối loạn hoang tưởng được điều trị bằng thuốc chống loạn thần cho thấy có giảm thiểu các triệu chứng ảo tưởng. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê một số đơn thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm để điều trị các triệu chứng lo âu, trầm cảm đi kèm. 

LƯU Ý: Cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc và chỉ được dùng thuốc khi có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ lâm sàng.

Cùng với thuốc, việc trị liệu tâm lý cũng giúp cá nhân quản lý và đối phó tốt hơn với những căng thẳng liên quan đến niềm tin ảo tưởng và tác động đến cuộc sống của họ. Các liệu pháp tâm lý thường được sử dụng trong điều trị rối loạn hoang tưởng bao gồm:

  • Liệu pháp tâm lý cá nhân: giúp người mắc rối loạn hoang tưởng nhận ra và sửa chữa những suy nghĩ tiềm ẩn đã trở nên biến dạng.

  • Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT): giúp người mắc rối loạn hoang tưởng học cách nhận biết và thay đổi các kiểu suy nghĩ và hành vi dẫn tới những cảm xúc tiêu cực.

  • Liệu pháp gia đình: giúp gia đình đối phó hiệu quả hơn với người thân mắc rối loạn hoang tưởng, qua đó góp phần mang lại kết quả tốt hơn trong quá trình điều trị.

Hỏi Đáp Về Rối Loạn Hoang Tưởng

Ảo Tưởng Và Ảo Giác Có Giống Nhau Không?

Câu trả lời là không. Ảo tưởng là tin vào điều gì đó không đúng, bất kể mọi người xung quanh có đưa ra bao nhiêu bằng chứng ngược lại. Ví dụ, cá nhân có thể tin rằng một thành viên trong gia đình đang cố đầu độc mình mặc dù điều này không đúng sự thật và không có bất kỳ bằng chứng nào cả.

Trong khi đó, ảo giác liên quan đến các giác quan - ví dụ như nhìn, cảm nhận hoặc nghe thấy thứ không hề tồn tại ở đó. Các loại ảo giác được phân theo 5 giác quan bao gồm: Ảo giác thính giác (VD: Nghe thấy giọng nói hoặc âm thanh không có thực); Ảo giác thị giác (VD: Nhìn thấy các vật thể không có thực hoặc nhìn các vật thể thực theo cách khác biệt với mọi người); Ảo giác khứu giác (VD: Ngửi thấy những mùi mà chỉ có mình ngửi được); Ảo giác xúc giác (VD: Cảm nhận thấy có những con bọ bò trên da); Ảo giác vị giác (VD: Cảm thấy có vị lạ trong miệng).

Làm Thế Nào Để Biết Người Thân Của Mình Có Đang Mắc Rối Loạn Hoang Tưởng Hay Không?

Rất khó để có thể nhận biết một người có đang mắc chứng rối loạn hoang tưởng hay không, vì các triệu chứng ảo tưởng không có ảnh hưởng rõ rệt tới chức năng và hành vi của họ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những người mắc chứng rối loạn hoang tưởng có thể trở nên ám ảnh với những ảo tưởng của họ tới mức làm gián đoạn cuộc sống của họ. Nếu bạn quan sát thấy người thân của mình có những triệu chứng của rối loạn hoang tưởng (nêu ở trên), hãy đưa họ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. Can thiệp càng sớm thì chứng rối loạn hoang tưởng càng ít ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

>>> Tham Khảo: Sống Chung Với Người Thân Gặp Các Vấn Đề Về Tâm Thần

Tôi Có Thể Giúp Người Thân Mắc Rối Loạn Hoang Tưởng Bằng Cách Nào?

Một số lời khuyên chăm sóc người mắc chứng rối loạn hoang tưởng: 

  • Tránh những lời chỉ trích. Sự phán xét có thể khiến người mắc chứng rối loạn hoang tưởng cảm thấy lo lắng, cô đơn hoặc chán nản. Khi nói chuyện, hãy chú ý đến giọng điệu và lựa chọn từ ngữ. Cố gắng tỏ ra không đối đầu và bình tĩnh, bày tỏ mối quan tâm như một hình thức quan điểm, thay vì phán xét. Tốt nhất bạn nên nói chuyện với người thân khi họ không còn trong cơn ảo tưởng.

  • Giữ thái độ trung lập. Đừng cố gắng thuyết phục người thân của bạn rằng những ảo tưởng của họ là không có thật. Điều này có thể dẫn đến tranh cãi, hành vi bùng nổ và xung đột liên tục, từ đó sẽ cô lập họ hơn nữa. 

  • Giúp đỡ và hỗ trợ. Bạn có thể đi cùng người thân đến các cuộc hẹn với bác sĩ, giúp họ theo dõi lịch uống thuốc, giúp làm việc nhà và việc vặt, đi dạo hoặc tập thể dục cùng họ, hoặc đến thăm nếu họ cảm thấy chán nản.

  • Chuẩn bị. Lập kế hoạch xử lý dự phòng trong trường hợp người thân của bạn có nguy cơ làm tổn thương bản thân hoặc người khác. Nếu người thân của bạn đang trong cơn khủng hoảng, hãy cố gắng đưa họ đến bệnh viện để họ không tự làm tổn thương mình hay người khác.

  • Nếu bạn là người chăm sóc trực tiếp cho người mắc chứng rối loạn hoang tưởng, điều quan trọng là bạn cũng phải chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân.

Nếu bạn cảm thấy mình đang có những triệu chứng của rối loạn hoang tưởng, hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. Can thiệp sớm là chìa khóa để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Tham khảo:

[1] Delusional Disorder. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539855/

[2] Diagnostic and statistical manual of mental disorders _ DSM-5. https://repository.poltekkes-kaltim.ac.id/657/1/Diagnostic%20and%20statistical%20manual%20of%20mental%20disorders%20_%20DSM-5%20(%20PDFDrive.com%20).pdf

[3] Delusional Disorder: Types, Symptoms, and Treatment. https://www.webmd.com/schizophrenia/delusional-disorder

[4] Caring for Someone With Delusional Disorder. https://www.brightquest.com/delusional-disorder/caring-for-someone-with-delusional-disorder/

[5] Symptoms of Delusional Disorder. https://psychcentral.com/disorders/delusional-disorder-symptoms#signs

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy

Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark 81 & Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh

Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)

Email: info@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/