Lần đầu tiên nghe thấy trẻ nói “Con ghét bố/mẹ!” có thể là trải nghiệm gây sốc và khó khăn với một phụ huynh.
“Xuất phát từ đứa trẻ có mối quan hệ dựa trên tình yêu thương, cách nói “Con ghét bố/mẹ” là một phần bình thường của sự phát triển tâm lý và cảm xúc,” nhà trị liệu tâm lí Noel McDermott nói. Cách cha mẹ đối phó với thông tin này sẽ là hình mẫu để đứa trẻ học cách quản lí những cảm xúc khó khăn.
Vậy chính xác thì phụ huynh nên làm thế nào khi nghe trẻ nói “Con ghét bố/mẹ”?
Đừng Hoảng Loạn
“Đầu tiên là, đừng lo lắng. Câu nói ‘Con ghét bố/ mẹ!’ từ miệng của một đứa trẻ độ tuổi từ 4 đến 10 khác hẳn với câu nói đến từ vợ/ chồng của bạn,” nhà tâm lí John Mayer nói. Trẻ đang cố gắng sử dụng cách nói mang đầy cảm xúc vì sự giận dữ hay thất vọng. Đúng vậy, chúng đang cố gắng để bạn phản hồi hoặc đạt được thứ mà chúng mong muốn.
Trẻ vẫn đang học cách thể hiện sự thất vọng một cách lành mạnh và hiệu quả, giống như trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thường khóc hay ném đồ ăn đi khi chúng không biết cách nói rằng chúng không thích nó. Cố gắng đừng xem đó là vấn đề cá nhân và đừng hành động hấp tấp khi đáp lại câu “Con ghét bố/mẹ” của con bạn.
Hãy thực hành bất kỳ chiến lược đối phó hữu ích nào mà bạn có thể nghĩ ra. Như là tìm ai đó để tâm sự, luyện tập hít thở, tự nhắc nhở bản thân rằng ‘Việc nuôi dạy con cái không phải là điều dễ dàng. Hiện tại bạn đang làm tốt rồi,’ hãy tưởng tượng khoảng thời gian vui vẻ mà bạn đã có với con, và nhìn vào những bức ảnh cũ của bạn và con mình. Hãy thực hiện những chiến lược này trước khi bạn ngồi lại với con.
Hiểu Rằng Câu Nói Đó Có Nghĩa Là Gì
“Con ghét bố/ mẹ” là câu nói ngây thơ, chưa phát triển để thể hiện cảm xúc mà chúng đang cảm nhận vào thời điểm đó. Điều quan trọng cần lưu ý là ở lứa tuổi này, khái niệm “ghét” thậm chí còn không được hiểu về mặt nhận thức theo mức độ phát triển trí não mà chúng có. Trẻ chỉ đang tiếp nhận nó thông qua cách bắt chước.
Khi trẻ nói “Con ghét bố/ mẹ”, đó thường là do bực bội, thất vọng hay mất kiểm soát. Chúng thường khó chịu vì cha mẹ từ chối điều mà chúng muốn. Con bạn cũng có thể đang đói hoặc mệt mỏi, điều này có thể làm tăng cường độ cảm xúc của chúng.
Nhà tâm lí Robin Goodman cho biết: “Đó là sự thể hiện cảm xúc chứ không phải mô tả cảm xúc thực tế của trẻ về bạn.”
“Con ghét bố/ mẹ” thường là mật mã cho “Con đang tức giận”, “Con ghét cảm giác này”, “Con ghét tình huống này”, “Bố mẹ không hiểu”, “Bố mẹ đang không lắng nghe”, hay chỉ là “Con không thể giải quyết những cảm xúc này theo cách tốt hơn ngay bây giờ.”
Tương tự như khi phụ huynh cố gắng để phân biệt giữa những cảm xúc của mình và hành vi của trẻ: “Bố/ mẹ không thích hành vi của con hiện tại (từ chối đi ngủ), nhưng bố/ mẹ vẫn yêu con”. Hãy hiểu rằng con bạn cũng cảm thấy như vậy, nhưng trẻ không có các kĩ năng để diễn đạt điều này với bạn.
Hãy Là Một “Tấm Gương”
Hãy thừa nhận cảm xúc của con bạn bằng cách chỉ ra rằng đôi khi cảm thấy tức giận và thất vọng là điều hoàn toàn bình thường.
Phụ huynh nên là “tấm gương ”cho hành vi của con mình. Hãy bắt đầu bằng câu nói phản chiếu: “Bố/ mẹ biết rằng hiện tại con đang cảm thấy thất vọng về ___. Con không cần phải thích tất cả các quyết định của bố/ mẹ nhưng đây là nhiệm vụ của bố/ mẹ để hướng dẫn con theo cách mà bố/ mẹ cảm thấy tốt nhất.”
Hãy nói với trẻ rằng bạn muốn biết vì sao chúng lại buồn. Hoặc nếu bạn nghĩ rằng bạn biết lí do, hãy thể hiện sự thấu hiểu và cảm thông.
Bạn có thể nói “Bố/ mẹ hiểu con thực sự muốn đi chơi với bạn, và giờ con đang tức giận vì điều đó không xảy ra”, “Bố/ mẹ biết con đang tức giận vì bố/mẹ nói rằng con không thể đi chơi với bạn của mình vào cuối tuần do chúng ta sẽ đi thăm ông bà,” hoặc “Cha/ mẹ biết hôm nay là một ngày mệt mỏi và điều này khiến con cảm thấy như tệ hơn.”
Dành Thời Gian Để Cả Hai Đều Bình Tĩnh Lại
Sẽ hữu ích nếu bạn đề xuất tạm nghỉ để bình tĩnh lại trong thời điểm ấy. Hãy lưu ý rằng bạn có thể nói về điều này sau đó và bạn sẽ lắng nghe những gì con mình nói.
Phụ huynh có thể nói, “Bố/ mẹ có thể thấy rằng con đang tức giận với bố/ mẹ. Bố/ mẹ muốn hiểu vì sao. Hãy nói chuyện lại khi chúng ta bình tĩnh hơn nhé.” Bằng cách này, bạn không chỉ đang xác nhận cảm xúc của chúng mà còn thừa nhận rằng bạn cũng cần thời gian để xử lý.
Nếu như sự việc xảy ra trong siêu thị hay trên đường đi bộ, hãy đảm bảo rằng bạn và con đều an toàn và có thể di chuyển tới một địa điểm tốt hơn để nói chuyện.
Dĩ nhiên, sự nghỉ ngơi này không phải lúc nào cũng cần thiết. Đôi khi bạn không cần phải xử lý gì cả. Thời điểm ngay lúc đó và phản ứng của bạn về điều này có thể đã là đủ. Trên thực tế, để mọi thứ bị lãng quên là một kĩ năng hữu ích. Thường thì kĩ năng làm cha mẹ bị đánh giá thấp nhất là hiểu được những gì có thể và nên bỏ qua.
Phản Ứng Của Bạn Nên Phù Hợp Với Lứa Tuổi Của Con
Điều chỉnh cách phản hồi của bạn cho phù hợp với độ tuổi và trình độ phát triển của con. Nếu bạn đang đối mặt với một đứa trẻ không thích nghe từ “Không”, bạn nên chủ động lờ đi để không tham gia vào trận chiến với trẻ.
Với trẻ em trong độ tuổi đi học, hãy tránh mọi xu hướng bắt chước hay chế nhạo – ví dụ như “Bố/ mẹ cũng ghét con” hoặc dùng những từ ngữ gây tổn thương. Một lần nữa, tốt nhất là bạn không nên tham gia hoặc thể hiện phản ứng của mình, điều này có thể báo hiệu rằng trẻ đã thắng. Thay vào đó, bạn có thể cố gắng trung hòa, “Bố/ mẹ biết con đang buồn nhưng bố/ mẹ vẫn yêu con.”
Đối với lứa tuổi từ 8 – 12 và lứa tuổi thanh thiếu niên, không nên coi “Con ghét bố/ mẹ” là vấn đề cá nhân và không tham gia vào cuộc tranh cãi. Đặc biệt nếu trẻ chia sẻ lí do chúng “ghét” bạn vì bạn không mua iPhone cho chúng.
Tham gia tranh luận với trẻ có thể có xu hướng làm mồi cho những lý lẽ “không bao giờ” và “luôn luôn” của chúng: “Bố/ mẹ không bao giờ để con…”, vì cách nói này dựa trên cảm xúc của chúng hơn là thực tế của sự việc. Cũng đừng để bị sa đà vào xu hướng so sánh: “Tất cả những bạn khác trong lớp con đều có…” Tốt hơn hết là bạn nên lắng nghe và xác nhận cảm xúc của con mình, giải thích quan điểm của bạn dù cho trẻ có thể vẫn không thích quyết định đó.
Giải Thích Rằng Điều Đó Gây Tổn Thương
Phụ huynh có thể giải thích câu nói “Con ghét bố/ mẹ” và những câu nói tổn thương khác gây ra bởi sự tức giận. Hãy nhớ rằng, nhiệm vụ của bạn là chấp nhận cảm xúc của con mình theo cách hợp lệ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chấp nhận cách mà chúng được thể hiện. Bạn có thể nói với trẻ “Những từ ngữ này làm tổn thương cảm xúc của cha/ mẹ. Cha/ mẹ biết con đang buồn nhưng có những cách khác để nói với ai đó rằng con đang tức giận.”
Bạn nên tìm ra những cách khác để thể hiện cảm xúc và trao phần thưởng khi trẻ xử lí cảm xúc thất vọng bằng một cách tốt hơn. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ không sử dụng từ “ghét” trừ khi nó nhắm vào những bất công về mặt đạo đức như nghèo đói, phân biệt chủng tộc hoặc lạm dụng trẻ em.
Cha mẹ nên xác định và xây dựng các tiêu chuẩn gia đình về việc không nói những điều gây tổn thương hoặc hành động tổn thương đối với người khác khi tức giận. Điều này bao gồm cả việc không nói những điều tổn thương với chính bản thân. Những phản ứng cao độ này có thể là phản ứng thái quá và cần phải được ngăn lại bằng những cuộc nói chuyện bình tĩnh và thực tế.
Thảo Luận Về Vấn Đề Tiềm Ẩn
Cách nói “Con ghét bố/ mẹ” thường là biểu hiện của một thứ gì đó khác đang tiềm ẩn dưới bề mặt, vì vậy bạn có thể thảo luận thêm với con.
Hãy nói chuyện về tình huống thúc đẩy phản ứng. Không chỉ về những cảm xúc như sự tức giận, mà còn cả những gì dẫn đến sự bùng nổ. Hãy nhìn vào tất cả các khía cạnh của tình huống. Tìm hiểu nguyên nhân có thể giúp cả hai phía cùng trò chuyện và ngăn điều đó tái diễn.
Phụ huynh có trẻ nhỏ hơn cũng có thể tìm hiểu nguồn gốc ngôn từ và hành vi, liệu trẻ có quan sát được ở những người lớn khác xung quanh chúng. Hãy cố gắng xác định xem đó có phải là dấu hiệu của một vấn đề ở trường hoặc với bạn bè – và có cần tới sự trợ giúp của chuyên gia không.
Khi cố gắng tìm hiểu xem có vấn đề gì xảy ra hay không, tốt nhất bạn nên tìm kiếm các mẫu hành vi thay vì các sự kiện xảy ra một lần. Tất cả chúng ta đều có thể có những khoảnh khắc tức giận rồi thôi, điều đó không sao, nhưng nếu đó là điều thường xuyên, việc này có thể cho thấy những vấn đề khác nữa.
Cho Con Biết Rằng Bạn Yêu Thương Chúng
Trẻ không ghét cha mẹ của chúng. Trẻ có thể không thích hành vi của cha mẹ, nhưng hiếm khi trẻ thực sự không thích cha mẹ chúng và không muốn liên quan gì tới họ. Kể cả những đứa trẻ bị phụ huynh đối xử tệ bạc vẫn tìm kiếm tình yêu và sự chấp nhận từ cha mẹ.
Hãy nhớ, cố gắng kiềm chế để không trừng phạt con bạn vì những hành vi bột phát, bởi có thể chúng vốn đã cảm thấy tội lỗi khi nói ra những điều gây tổn thương này. Trừng phạt và tức giận chỉ làm tình hình leo thang và khiến mối quan hệ thêm căng thẳng.
Sau khi cảm xúc của trẻ dịu xuống, hãy ôm con và cho chúng biết rằng bạn yêu chúng. Điều này rất quan trọng để giúp con phục hồi lại những cảm giác bị tổn thương và lòng tự trọng. Chúng không phải là đứa trẻ hư khi làm điều đó, mà chúng chỉ làm sai, mắc lỗi. Đây chỉ là thời gian để dạy bảo con của bạn.
Nguồn: Here's What You Should Do When Your Child Says 'I Hate You'- HuffPost
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0912.012.684 (Zalo, 24/7)
Email: daotao@tamlyvietphap.vn
Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn