Đồ chơi là sản phẩm không thể thiếu trong quãng thời gian thơ ấu của trẻ em cũng như trong việc nuôi dạy con cái của cha mẹ. Dường như các hãng đồ chơi rất biết đánh vào tâm lý của cha mẹ khi liên tục cho ra những mẫu đồ chơi đa dạng với lời giới thiệu giúp bé phát triển tư duy sáng tạo. Bởi vậy mà cha mẹ và người lớn thường liên tục mua nhiều đồ chơi cho các bé. Nếu ngôi nhà của bạn có quá nhiều món đồ “nhất thiết phải có” hay các món đồ chơi chất đống thì bạn không đơn độc. Chắc chắn bạn đã từng nghe một bậc cha mẹ phàn nàn rằng: “Con tôi có quá nhiều đồ chơi và chúng không chơi với chúng”. Điều này có tốt hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Một nghiên cứu từ Đại học Toledo ở Ohio cho thấy “quá nhiều đồ chơi làm giảm chất lượng chơi của các em bé mới chập chững biết đi”. Theo nghiên cứu này (tên đầy đủ là "Ảnh hưởng của số lượng đồ chơi trong môi trường đối với việc chơi của trẻ mới biết đi", được công bố trên tạp chí Hành vi và Phát triển Trẻ sơ sinh) thì việc có ít đồ chơi đi có thể giúp trẻ nhỏ tập trung hơn và tham gia vào các trò chơi giàu trí tưởng tượng, sáng tạo hơn. Với việc có ít đồ chơi hơn, trẻ sẽ phát triển và tạo ra cách chơi lành mạnh hơn và cuối cùng là phát triển nhận thức sâu sắc hơn.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát 36 đối tượng trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 30 tháng (độ tuổi mà các bé chập chững biết đi) trong các buổi vui chơi tự do. Nghiên cứu báo cáo rằng “có sự khác biệt đáng kể về chất lượng vui chơi của trẻ khi so sánh giữa hai điều kiện về số lượng đồ chơi. Bản nghiên cứu đánh giá điều này bằng cách cho trẻ chơi liên tục với nhiều cách chơi khác nhau. Cách đầu tiên là chơi với nhóm có Bốn món đồ chơi còn cách thứ hai là chơi với nhóm có Mười sáu món. Kết quả là các trẻ em ở độ tuổi này tỏ ra có chất lượng vui chơi tốt hơn trong điều kiện Bốn món đồ chơi so với điều kiện Mười sáu món đồ chơi." Về cơ bản, khi được đưa cho một số ít đồ chơi, trẻ sẽ chơi với chúng theo nhiều cách khác nhau (sáng tạo nhiều cách chơi hơn với số lượng ít đồ chơi hơn) và chơi với chúng trong thời gian dài hơn.
Alexia Metz, một trong những nhà nghiên cứu trong viện nghiên cứu ở Toledo đã nhấn mạnh rằng tất cả những trẻ em tham gia chơi trong cả hai điều kiện (bốn đồ chơi và mười sáu đồ chơi) vào các ngày khác nhau và theo thứ tự ngẫu nhiên, do đó sự khác biệt được phản ánh bởi sự thay đổi của môi trường và được kiểm soát ở một mức độ nào đó là có cơ sở. Điều này cũng cho sự thay đổi giữa các trẻ em trong các điều kiện khác nhau. Khi các trẻ em được đưa cho 16 món đồ chơi, Metz và các đồng nghiệp của bà đã nhận thấy sự phân tâm hơn hẳn. Trong nghiên cứu của mình, Metz và các cộng sự đã phát biểu rằng: “Kết quả của nghiên cứu hiện tại cho thấy quá nhiều đồ chơi có thể tạo ra sự phân tâm ở trẻ. Với ít đồ chơi hơn (để chỉ nhóm bốn đồ chơi), những trẻ em tham gia sẽ hòa mình vào các giai đoạn chơi lâu hơn.”
Theo nghiên cứu, những đứa trẻ có bốn món đồ chơi thể hiện sự tương tác với đồ chơi nhiều hơn gấp rưỡi, từ đó cho thấy trẻ nhỏ có nhiều khả năng chơi theo những cách tinh vi hơn, tiên tiến hơn với ít đồ chơi hơn, cũng đồng nghĩa rằng chúng tập trung và sáng tạo hơn hẳn. Sự tham gia ngày càng tăng với đồ chơi này có ý nghĩa tích cực đối với nhiều khía cạnh của sự phát triển, bao gồm trí tưởng tượng, khả năng đóng vai, thể hiện bản thân cùng các kỹ năng thể chất như phối hợp vận động và giải quyết vấn đề.
Nghiên cứu này có cùng ý tưởng và đã củng cố quan điểm của một số chuyên gia - những người trong những năm gần đây đã ủng hộ các việc sắp xếp đồ chơi một cách hợp lý – hoặc thậm chí không có đồ chơi - trong khu vui chơi cho trẻ nhỏ. Trong cuốn sách Clutterfree with Kids của mình, Joshua Becker mô tả rằng quá nhiều đồ chơi sẽ gây ra sự xao nhãng trong quá trình phát triển của trẻ. “Hãy tưởng tượng ảnh hưởng mà hàng trăm món đồ chơi trong nhà chúng ta có thể gây ra cho lũ trẻ” ông viết khi phản hồi về những phát hiện mới.
Điều này không có nghĩa là cha mẹ nên vứt bỏ đồ chơi của con mình hoặc ngăn cản thời gian chơi đồ chơi của con. Tuy nhiên, nếu bạn đang xuống tiền hoặc chi tiêu nhiều hơn mức bạn muốn cho quà tặng cho con cái mình nói riêng hoặc trẻ em nói chung, đặc biệt là những đứa trẻ còn rất nhỏ, bạn nên dừng lại để tự hỏi: Đứa trẻ này có thực sự cần món đồ này không? Nó sẽ làm phong phú thêm khoảng thời gian vui chơi của chúng hay những món đồ chỉ đơn giản là được sử dụng trong một hoặc hai tuần rồi bị lãng quên hoặc bỏ qua? Liệu nó có khiến trẻ hình thành thói quen “có mới nới cũ” và ít trân trọng đồ chơi của mình không?
Hầu hết cha mẹ đều muốn con mình hạnh phúc và khi nghĩ đến việc làm cho con vui vẻ, mua đồ chơi là một trong những phương pháp thường được sử dụng. Tuy vậy, hãy cân nhắc việc tạo ra các hoạt động và các “nghi thức” truyền thống gắn kết tình cảm. Đó sẽ là những kỉ niệm và những giá trị tinh thần để trẻ nhìn lại và trân trọng. Thay vì đi đến cửa hàng để mua một món đồ chơi hoặc đồ dùng khác, bạn có thể dành cho con những buổi hẹn, những buổi xem phim hàng tháng hoặc hàng tuần, những đêm cùng chơi các trò chơi, boardgame và ngủ trong một chiếc lều tự dựng bằng chăn và gối, những bữa nướng bánh quy hoặc thực hiện việc chuẩn bị bữa ăn cuối tuần cùng nhau. Hãy nhớ rằng những kỷ niệm quý giá hơn những món quà.
Các nghiên cứu cũng ủng hộ quan điểm cho rằng cha mẹ nên đầu tư vào các hoạt động hơn là của cải vật chất. Nhà tâm lý học Thomas Gilovich của Đại học Cornell phát hiện ra rằng mọi người hài lòng hơn khi được nhìn lại những trải nghiệm thay vì khi họ mua vật chất. Ông đã phát hiện ra rằng những người nghĩ về những trải nghiệm trước khi họ “mua” một thứ gì đó - chẳng hạn như vé trượt tuyết hoặc vé xem hòa nhạc - có mức độ hạnh phúc cao hơn những người chỉ suy nghĩ rằng sẽ chi tiền cho chúng.
Vì vậy, thay vì chi tiền vào quá nhiều đồ chơi của con, hãy cùng con tạo nên những trải nghiệm và kỉ niệm thật đẹp trong thời thơ ấu.