Chống đối xã hội hay anti social là gì? Vì sao chúng ta thường tin rằng: “Những người lớn tuổi không có hành vi chống đối xã hội bởi họ trưởng thành và họ biết suy nghĩ” Về cơ bản, chẳng phải những người già thường đều bớt nông nổi, bồng bột đi hay sao?
Thật vậy, nếu bạn dừng lại và nghĩ về độ tuổi của các nhân vật tội phạm được miêu tả trên các phương tiện truyền thông, có thể khó đưa ra bất kỳ trường hợp nào mà thủ phạm trên 40 tuổi. Bạn thậm chí có thể phải quay lại bộ phim kinh điển năm 1979, "Going in Style", với sự tham gia của George Burns, Art Carney và Lee Strasberg hay các bộ phim truyền hình dài tập có nhân vật tâm thần, chẳng hạn như bất kỳ loạt phim "Law and Order", hiếm khi có các nhân vật lớn tuổi ngoài những người từng là công tố viên hoặc thám tử.
Có phải tất cả những điều này cho thấy sẽ không thực sự tồn tại những tên tội phạm, hoặc những người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở độ tuổi về già? Theo Katherine Holzer của Đại học Y Washington và các đồng nghiệp (2021), thật hợp lý khi cái gọi là lý thuyết về “năng lượng tội phạm” được áp dụng (Vaugn & DeLisi, 2018) và theo đó giải thích những người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội chỉ đơn giản là “hết hơi”.
Tuy nhiên, có một lời giải thích khác mà bạn có thể xem xét. Có lẽ trong những người cao tuổi mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội hoặc những kẻ phạm tội, phần lớn trong số họ nghiêng nhiều về việc thể hiện rõ các hành vi ở tuổi trẻ. Như các nhà nghiên cứu của Đại học Washington lưu ý, “sự phát triển của các tiêu chí DSM [Cẩm nang chẩn đoán và thống kê] cho ASPD (rối loạn nhân cách chống đối xã hội) bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nghiên cứu với người trẻ hơn là người lớn tuổi…những nghiên cứu này vẫn được coi là một trong những nghiên cứu nổi bật nhất trong lĩnh vực” (tr. 445). Có phải cách tiếp cận sai lầm này đã vô tình dẫn đến việc không phát hiện được ASPD thực sự có thể vẫn còn tồn tại ở những người già, người cao tuổi?
Một Số Cân Nhắc Chẩn Đoán
Trước khi trả lời câu hỏi về sự thiên vị tuổi tác có thể hay không xảy ra trong các tiêu chí của ASPD, điều quan trọng là bạn phải tự nhắc mình rằng ASPD và chứng thái nhân cách là những rối loạn riêng biệt và cả hai đều khác biệt với hành vi phạm tội. Những người mắc chứng thái nhân cách không nhất thiết phải hành động bằng cách thực hiện các hành vi chống đối xã hội và do đó, sẽ ít có khả năng bị giam vào tù hơn những người được chẩn đoán mắc ASPD, cũng như không phải tất cả tội phạm đều đáp ứng các tiêu chí cho chứng rối loạn này.
Cân nhắc chẩn đoán thứ hai liên quan đến sự xuất hiện đồng thời của rối loạn khí sắc và sử dụng chất gây nghiện ở những người lớn tuổi mắc bệnh ASPD. Do đó, các bác sĩ lâm sàng điều trị cho bệnh nhân lớn tuổi mắc các chứng rối loạn này có thể ít tập trung hơn vào các hành vi chống đối xã hội đi kèm hoặc thậm chí có thể bị che đậy bởi các tình trạng này.
Để làm cơ sở cho cuộc điều tra, các tác giả đã rút ra từ một trường hợp (DeLisi et al., 2020) về một người được gọi là “Mr. Z.,” một người đàn ông da trắng 77 tuổi có tiền sử về các hành vi chống đối xã hội trong suốt cuộc đời bao gồm nhiều vụ giết người, cả trong và ngoài tù. Kẻ này đáp ứng các tiêu chí về ASPD cũng như chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng, cùng với một số dạng rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Hắn đã không từ bỏ bạo lực và việc sử dụng chất gây nghiện cho đến những năm 80 tuổi, và “ngay cả khi đó, quá trình phục hồi chức năng của hắn được coi là gần như không thể” (trang 445).
Với trường hợp minh họa này, những người lớn tuổi có thể tiếp tục các triệu chứng của rối loạn nhân cách chống đối xã hội, như các tác giả lưu ý, sự nghiệp phạm tội của Mr.Z rất “hăng hái”. Câu hỏi đặt ra là liệu Mr.Z có thể nhận được một chẩn đoán mới khác trong cuộc sống sau này dựa trên các tiêu chí ASPD không?
Tham khảo: Tổng quan về rối loạn nhân cách
Các Triệu Chứng ASPD Trông Như Thế Nào Ở Người Lớn Tuổi?
Để trả lời câu hỏi liệu các tiêu chí chẩn đoán ASPD có sai lệch tuổi tác hay không, các tác giả của Đại học Washington đã bắt đầu bằng cách tận dụng Khảo sát Dịch tễ học Quốc gia về Rượu và Các tình trạng Liên quan III hoặc NESARC-III. Các tác giả đã sử dụng thước đo được công nhận trên toàn quốc về các hành vi chống đối xã hội cụ thể (AUDADIS-5) để so sánh các câu trả lời từ một mẫu gồm 11.755 người trẻ tuổi (18-34) phù hợp với 14.738 người lớn từ 50 tuổi trở lên.
Các đặc tính mở rộng của AUDADIS-5 giúp nhóm nghiên cứu xác định được một cá nhân có biểu hiện “bệnh lý ASPD" hay không bằng cách đánh giá thông qua điểm số. Ví dụ: AUADIS-5 yêu cầu người tham gia tự đánh giá về tần suất mắc bệnh các hành vi như "từng cố ý làm tổn thương động vật" hoặc "thường khiến mọi người sợ hãi khi thực hiện các công việc."
Nếu một cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn bệnh lý ASPD theo bộ công cụ, thì câu hỏi tiếp theo là liệu bệnh lý này có được chọn trên các mục dành riêng cho tiêu chí chẩn đoán ASPD hay không. Hóa ra, không phải vậy. Những người lớn tuổi có bệnh lý ASPD cao hơn sẽ ít có khả năng xác nhận các chỉ số chẩn đoán chính, cụ thể là:
Không tuân thủ các quy tắc liên quan đến hành vi pháp lý được biểu thị bằng cách thực hiện nhiều lần các hành vi là căn cứ để bắt giữ.
Dễ cáu kỉnh và hung hăng thể hiện qua việc đánh nhau hoặc hành hung lặp đi lặp lại.
Sự vô trách nhiệm diễn ra liên tục, thể hiện qua việc nhiều lần không duy trì hành vi một cách nhất quán hoặc tôn trọng các nghĩa vụ tài chính.
Dựa trên những phát hiện này, những người lớn tuổi mắc bệnh ASPD chưa được chẩn đoán thực sự dường như thiếu “năng lượng phạm tội” để tham gia vào các hành động đòi hỏi thể chất có thể dẫn đến việc họ bị bắt giữ. Tuy nhiên, các tác giả lưu ý rằng “người lớn tuổi mắc bệnh ASPD vẫn có thể tiếp tục gây xáo trộn và tạo ra xung đột trong cuộc sống của họ” (trang 449). Những cá nhân như vậy có thể cư xử cáu kỉnh và thậm chí hung hăng đối với những người cùng chung sống cũng như nhân viên trong viện dưỡng lão. Có lẽ những người sống trong cộng đồng cũng có thể thực hiện những hành vi chống đối xã hội đối với các thành viên gia đình, hàng xóm và bạn bè.
Việc thiếu chẩn đoán ASPD cho những cá nhân này có thể gây ra những hậu quả thực tế quan trọng. Họ có thể tiếp tục gây tổn hại cho những người xung quanh mà không ai nhận ra rằng hành vi của họ thể hiện một chứng rối loạn tâm lý, hoặc họ có thể nhận được sự điều trị không phù hợp.
Bị Lừa Bởi Những Người Già Mắc Rối Loạn Nhân Cách Chống Đối Xã Hội
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn là người bị lừa bởi một người lớn tuổi mắc ASPD? Nếu không nhận ra điều đó, bạn có thể dễ dàng giao tiền hoặc tài sản của mình cho họ. Họ có thể nói rằng có cơ hội đầu tư "tuyệt vời" cho bạn hoặc một yêu cầu về sự giúp đỡ cho các "nhu cầu" của họ về thuốc men, tiền thuê nhà hoặc phương tiện đi lại. Thật vậy, như Holzer et al. gợi ý, các cá nhân này có thể đã học cách sử dụng các phương pháp lồng ghép khác nhau thường liên quan đến lòng tự ái, chẳng hạn như bóc lột và thao túng.
Bởi vì rất nhiều người cho rằng người lớn tuổi thiếu "năng lượng tội phạm", tức là họ đã và đang dần mất đi sức mạnh thể chất hoặc sự nhanh nhẹn, nên rất dễ bỏ sót khả năng người già cũng có thể thực hiện các hành vi tội phạm.
Kết Lại
Từ quan điểm tâm lý học lâm sàng, điều cần thiết là chúng ta nên biết rằng Rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể tiếp tục tồn tại ở những người mà bạn cho rằng họ đã “trưởng thành” hay quá già để là một người chống đối xã hội. Trong cuộc sống của chính mình, có thể bạn chưa biết đến một “Mr. Z.,” nhưng bạn sẽ luôn cần tự bảo vệ mình bằng cách trở nên khôn ngoan và cảnh giác hơn kể cả với những người ít có hành vi chống đối xã hội được thể hiện ra ngoài.
Nguồn: Psychology Today - What Antisocial Personality Disorder Looks Like Later in Life