Phong cách nuôi con không can thiệp, đôi khi còn được gọi là cách nuôi dạy thiếu quan tâm, được đặc trưng bởi việc thiếu đi sự đáp ứng nhu cầu của trẻ. Cha mẹ không can thiệp rất hiếm khi hoặc không hề đưa ra những yêu cầu đối với trẻ. Họ thường thờ ơ, xua đuổi, hay thậm chí là hoàn toàn bỏ mặc con cái.
Vào những năm 1960, nhà tâm lý học Diana Baumrind đã mô tả ba phong cách nuôi dạy con khác nhau dựa trên nghiên cứu của bà ở những đứa trẻ trong độ tuổi mẫu giáo: phong cách uy quyền (authoritarian parenting), phong cách độc đoán (authoritative parenting) và phong cách nuông chiều (permissive parenting). Trong những năm sau đó, phong cách không can thiệp (uninvolved parenting) đã được thêm vào bởi các nhà nghiên cứu.
Đặc Điểm Của Phong Cách Nuôi Dạy Con Không Can Thiệp
Baumrind mô tả những phong cách nuôi dạy con qua hai khía cạnh chính: khả năng đáp ứng của cha mẹ và yêu cầu của cha mẹ. Cha mẹ không can thiệp đều kém ở những khía cạnh này.
Họ không đáp ứng tốt những nhu cầu của con mình và ít cung cấp sự hỗ trợ, tình cảm hay tình yêu thương. Phong cách nuôi dạy này cũng rất ít đưa ra yêu cầu đối với con. Họ hiếm khi đặt ra những luật lệ và không đưa ra hướng dẫn hay những mong đợi về hành vi.
Những mẫu hành vi phổ biến của cha mẹ không can thiệp:
Thể hiện sự xa cách về mặt tình cảm đối với con cái
Ít tương tác với con của họ vì bản thân đang bị lấn át bởi những vấn đề riêng
Ít hoặc không giám sát con
Đặt ra ít hoặc không có kỳ vọng hay yêu cầu đối với hành vi của con
Ít thể hiện sự yêu thương, nuông chiều và tình cảm với con của mình
Bỏ qua các sự kiện của trường và các cuộc họp giữa phụ huynh và giáo viên
Cha mẹ “nuôi thả” so với Cha mẹ không can thiệp
Điều quan trọng cần chú ý là phong cách nuôi dạy không can thiệp không giống như cách nuôi dạy con cái tự do. Trong khi cha mẹ không can thiệp không quan tâm tới cuộc sống của con họ, thì cha mẹ “nuôi thả” lại luôn yêu thương và để ý đến con cái của họ, nhưng vẫn cho con nhiều tự do để trải nghiệm những kết quả tự nhiên từ hành động của mình.
Tham Khảo:
>>>> Permissive Parenting: Bạn Có Phải Là Một Kiểu Cha Mẹ Dễ Dãi?
>>>> Nuôi Dạy Con Theo Phong Cách Cha Mẹ Hổ
Cha mẹ bận rộn
Cũng cần lưu ý rằng chỉ vì cha mẹ bận rộn với công việc hay những nghĩa vụ khác không có nghĩa là họ không quan tâm tới con cái. Sự chú ý và chăm sóc thực sự cần thiết. Mặc dù cha mẹ có thể làm việc rất nhiều giờ, nhưng họ không phải là không quan tâm nếu họ dành thời gian rảnh với con và đảm bảo rằng con cái mình được chăm sóc khi họ không thể ở bên chúng.
Ví Dụ
Phong cách nuôi dạy con không can thiệp khiến cha mẹ có ít tình cảm với con cái của họ. Trong khi họ cung cấp những nhu cầu cơ bản như thức ăn và nơi ở thì phần lớn, họ không quan tâm đến cuộc sống của con mình. Mức độ can dự chính xác của họ có thể thay đổi đáng kể.
Một số cha mẹ không quan tâm có thể không can dự vào việc của con cái, nhưng họ có thể có một vài giới hạn cơ bản như lệnh giới nghiêm. Những người khác có thể hoàn toàn bỏ mặc hay thậm chí hắt hủi con cái của họ. Trẻ có thể được cung cấp những thứ tối thiểu để tồn tại, như là nơi ở, sự nuôi dưỡng và quần áo để mặc, nhưng rất ít hoặc không được dạy bảo qua hướng dẫn hoặc tình cảm.
Nguyên Nhân Của Phong Cách Nuôi Dạy Con Không Can Thiệp
Ta nên lưu ý rằng phong cách nuôi con không can thiệp thường không phải là cố ý. Nó có thể nảy sinh do một số lí do khác nhau, bao gồm những nhân tố như trải nghiệm làm cha mẹ, căng thẳng và trầm cảm.
Phụ huynh với phong cách nuôi dạy không can thiệp thường được nuôi dưỡng bởi cha mẹ không quan tâm và thờ ơ. Khi trưởng thành, họ có thể nhận thấy bản thân đang lặp lại mẫu hành vi mà mình từng được nuôi dạy. Những phụ huynh khác thể hiện phong cách nuôi dạy này có thể chỉ đơn giản là bị cuốn vào cuộc sống bận rộn của mình đến mức họ cảm thấy dễ dàng hơn nếu không can dự vào việc của con cái. Trong một vài trường hợp, cha mẹ có thể bị vướng vào những vấn đề riêng (như là làm việc quá sức, đối mặt với trầm cảm, vật lộn với lạm dụng chất kích thích) đến mức họ thực sự không thể nhận ra sự thiếu quan tâm của mình đối với con hoặc đơn giản là không thể cung cấp sự hỗ trợ cảm xúc mà con cần.
Những Ảnh Hưởng Đến Con Cái
Các nhà nghiên cứu liên kết phong cách nuôi dạy con không can thiệp với một loạt kết quả của trẻ trong các lĩnh vực như kĩ năng xã hội và thành tích học tập. Những đứa trẻ từ gia đình có phong cách nuôi con không can thiệp thường thể hiện kém trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Trẻ có xu hướng thể hiện những khiếm khuyết trong nhận thức, khả năng gắn kết, kỹ năng cảm xúc và kỹ năng xã hội.
Do thiếu những đáp ứng về mặt tình cảm và tình yêu thương từ người chăm sóc, những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ không can thiệp có thể gặp những khó khăn trong việc hình thành sự gắn bó sau này trong cuộc sống.
Việc thiếu đi những ranh giới hoàn toàn trong gia đình khiến trẻ gặp khó khăn khi học những hành vi, giới hạn phù hợp ở trường học và các tình huống xã hội khác, đây là lý do vì sao những đứa này dễ có hành vi không đúng đắn hơn.
Kết quả liên quan đến phong cách nuôi dạy con không can thiệp, trẻ em có thể:
Lo lắng và căng thẳng do thiếu sự hỗ trợ từ gia đình
Rút lui về mặt cảm xúc
Sợ trở nên phụ thuộc vào người khác
Tăng nguy cơ lạm dụng chất kích thích
Phải học cách tự chăm sóc cho bản thân
Biểu hiện phạm pháp nhiều hơn ở tuổi vị thành niên
Tham Khảo: Tại Sao Phong Cách Làm Cha Mẹ Quan Trọng Khi Nuôi Dạy Con Cái?
Cách Các Bậc Phụ Huynh Cải Thiện
Việc nuôi dạy con cái không can thiệp có thể để lại dấu ấn lâu dài đối với trẻ em, điều mà chúng có thể tiếp tục cảm thấy khi trưởng thành. Chúng cũng có thể sợ lặp lại những khuôn mẫu này với con mình. Dưới đây là những điều bạn có thể làm để cải thiện kỹ năng làm cha mẹ, như là:
Tìm hiểu thêm về cách nuôi dạy con: Đọc sách, web, và các bài báo dành cho việc nuôi dạy trẻ để tìm hiểu thêm về các phương pháp tiếp cận hiệu quả đem lại lợi ích cho trẻ
Tham gia lớp học về nuôi dạy con cái: Việc đào tạo phụ huynh đã được chứng minh là giúp cải thiện sự quan tâm của cha mẹ. Hãy tìm tới các bệnh viện, trường học, thư viện và trường cao đẳng cộng đồng tại địa phương để tìm các khóa học về cách nuôi dạy con trong khu vực của bạn.
Cân nhắc trị liệu: Trò chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn bối cảnh hóa trải nghiệm của riêng mình và phát triển các kỹ năng mới giúp bạn xây dựng mối quan hệ và ranh giới lành mạnh với con mình.
Quan tâm con hơn: Nỗ lực tích cực để dành nhiều thời gian hơn cho con. Bạn nên lắng nghe và tìm hiểu về cuộc sống của con mình. Việc thay đổi là không hề dễ dàng và có thể khó hơn nếu bạn là một phụ huynh bận rộn. Hãy tập trung vào việc khắc phục nó bất cứ lúc nào có thể để con cái trở thành tâm điểm duy nhất của bạn.
Nếu bạn nhận thấy mình đã từng là cha mẹ thiếu quan tâm, liệu pháp gia đình có thể là lựa chọn hữu ích cho bạn. Nhà trị liệu có thể giúp bạn xác định những chiến lược giúp hình thành các mối liên kết, quan hệ chặt chẽ và sâu sắc hơn, cũng như phản ứng tốt hơn trong gia đình bạn.
Tuy bạn không thể thay đổi quá khứ, nhưng vẫn còn những điều bạn có thể làm để giúp chữa lành. Quan tâm đến bản thân, phát triển sự gắn bó lành mạnh với mọi người trong cuộc sống của mình và nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần là tất cả những bước bạn có thể thực hiện để thúc đẩy quá trình chữa bệnh.
Lời Kết
Ta có thể nhận rõ những hậu quả của phong cách nuôi con này, bởi vậy phong cách nuôi dạy con cái không can thiệp là không hề lý tưởng chút nào. Để nuôi dạy những đứa trẻ tự tin, khỏe mạnh và kiên cường về mặt tình cảm, trẻ cần được hỗ trợ, nuông chiều, yêu thương, kỷ luật phù hợp, phát triển và hướng dẫn từ người lớn mà chúng tin tưởng.
Nguồn bài: Characteristics and Effects of Uninvolved Parenting- VeryWell Mind
Tham Khảo: Tính Cách Của Con Có Thể Thay Đổi Cách Nuôi Dạy Của Cha Mẹ