Gia đình có thể là động lực quý giá giúp mỗi người chúng ta khỏe mạnh và giảm thiểu căng thẳng. Khi gia đình khỏe mạnh, các thành viên có thể là một điểm tựa mà bạn có thể tin tưởng — nhờ đó, mối quan hệ gia đình lành mạnh có thể có tác động vô cùng tích cực đến sức khỏe và mức độ hạnh phúc của bạn.
Mối quan hệ gia đình bền chặt cũng là nguồn an ủi, sức mạnh đồng thời dẫn dắt bạn trong thời gian căng thẳng. Tương tự như vậy, họ mang lại cảm giác thân thuộc và tình yêu vô điều kiện mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu khác.
Nhưng khi những mối quan hệ này không lành mạnh hoặc đầy căng thẳng, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và kiệt quệ về mặt cảm xúc khi tiếp xúc với họ. Trên thực tế, một mối quan hệ gia đình có nhiều mâu thuẫn hoặc độc hại có thể gây ra nhiều tổn hại cho tinh thần bạn.
Những mối quan hệ không lành mạnh này không chỉ làm mất đi nguồn hỗ trợ của bạn mà còn có thể tạo ra thêm căng thẳng, xung đột và thậm chí là các vấn đề sức khỏe. Ví dụ, nghiên cứu chỉ ra rằng 10% đến 30% trẻ em lớn lên trong các gia đình mà sức khỏe và hạnh phúc của trẻ bị đe dọa hoặc suy yếu bởi các mối quan hệ gia đình không lành mạnh.
Những Yếu Tố Giúp Gây Dựng Mối Quan Hệ Gia Đình Lành Mạnh
Nói chung, mọi người sẽ dựa vào gia đình của họ trong thời gian khủng hoảng để được hỗ trợ về mặt tinh thần và một cách thiết thực. Đôi khi họ thậm chí còn dựa dẫm về mặt tài chính khi cần thiết.
Gia đình là điều sẽ không thay đổi trong cuộc đời của một con người. Gia đình cũng là những người cùng bạn tạo ra những kỷ niệm và cùng chia sẻ tương lai với bạn. Còn ai ngoài anh chị em, cha mẹ và những người thân thiết có thể cùng bạn hồi tưởng về tuổi thơ?
Sự kết nối này với những kỷ niệm đẹp đẽ, sự hỗ trợ khi cần thiết và tình yêu thương vô điều kiện là cách mà gia đình chỉ có thể mang lại hạnh phúc, giảm tải căng thẳng và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Theo các nhà nghiên cứu, các gia đình gắn kết mạnh mẽ đều có sáu phẩm chất chung. Những phẩm chất này bao gồm sự trân trọng - tình cảm, cam kết, giao tiếp tích cực, thời gian ở bên nhau, kỹ năng đối phó mạnh mẽ và sức khỏe tinh thần. Dưới đây là một cái nhìn sâu hơn về mỗi yếu tố trên.
Sự Trân Trọng Và Tình Cảm
Các gia đình lành mạnh giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Họ cũng giữ lời hứa, hỗ trợ lẫn nhau và thể hiện tình cảm khi ở bên nhau. Một cái ôm ấm áp, một cái nắm tay hay một cái vỗ nhẹ vào lưng đều là những cử chỉ nói lên tình yêu thương và sự hỗ trợ lẫn nhau.
Sự Cam Kết
Các gia đình lành mạnh là những gia đình trung thành, ủng hộ và cam kết. Họ cảm thấy dễ dàng tin tưởng lẫn nhau về các khía cạnh trong cuộc sống của họ. Họ cũng chia sẻ trách nhiệm, đưa ra quyết định cùng nhau và luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn khi bạn cần. Sẽ không có ai chống lưng cho bạn như gia đình bạn.
Giao Tiếp Tích Cực
Các gia đình lành mạnh thường cùng nhau dùng bữa và thích nói về cuộc sống và trải nghiệm của họ. Hơn nữa, những lời chỉ trích, phê phán, gán nhãn và các kiểu lạm dụng tình cảm khác là rất hiếm thấy.
Thay vào đó, các gia đình lành mạnh sẽ khuyến khích và thúc đẩy lẫn nhau.
Dành Thời Gian Bên Nhau
Thông thường, những gia đình lành mạnh luôn vui vẻ khi ở bên nhau, thường xuyên cười nói vui vẻ. Cho dù thời gian của họ là có kế hoạch hay tự phát, các gia đình gắn kết đều thích ở bên nhau. Họ cũng chia sẻ sở thích và niềm đam mê với nhau.
Kỹ Năng Ứng Phó Mạnh Mẽ
Khả năng phục hồi là một dấu hiệu của gia đình lành mạnh. Mặc dù đối mặt với một thách thức hoặc một cuộc khủng hoảng không bao giờ là dễ dàng nhưng các gia đình lành mạnh luôn khuyến khích nhau giữ vững niềm hy vọng. Họ thường tìm kiếm những điều tốt đẹp trong tình huống xấu và chấp nhận những điều họ không thể thay đổi. Cùng nhau vượt qua khủng hoảng khiến mối quan hệ của họ trở nên bền chặt hơn.
Sức Khỏe Tinh Thần
Những gia đình lành mạnh thường có cái nhìn tích cực về cuộc sống. Họ cũng đầy lòng biết ơn và trân trọng. Thông thường, những gia đình này chia sẻ các giá trị chung và thậm chí có thể có cùng niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh.
Ngay cả khi họ không đồng ý về mọi thứ, các gia đình lành mạnh vẫn tử tế và tôn trọng ý kiến của nhau.
>>> Xem Thêm: Mối Quan Hệ Cha Mẹ - Con Cái Và Sự Ứng Phó Với Xung Đột Gia Đình
Đối Phó Với Các Vấn Đề Gia Đình Thường Gặp
Thật không may, các mối quan hệ trong gia đình rất phức tạp nên không phải lúc nào cũng dễ dàng điều hướng. Trên thực tế, đối phó vkowis những thành viên gặp khó khăn trong gia đình là một thử thách khó nhằn. Và mặc dù việc loại bỏ các mối quan hệ căng thẳng ra khỏi cuộc sống có thể tốt hơn cho mức độ căng thẳng cũng như sức khỏe của bạn nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đơn giản khi những người khiến bạn cảm thấy tiêu cực lại là người thân của bạn. Do đó, để ngăn chặn xung đột và giảm mức độ căng thẳng, hãy xem một số mẹo dưới đây để giải quyết các vấn đề gia đình thường gặp.
Tập Trung Vào Giao Tiếp Lành Mạnh
Xung đột là điều hầu như không thể tránh khỏi trong bất kỳ mối quan hệ nào, nhưng có những cách lành mạnh để đối mặt với những mâu thuẫn. Ví dụ, nếu bạn biết rằng bạn và thành viên trong gia đình bất đồng về tôn giáo hoặc chính trị, hãy cố gắng đưa ra những chủ đề trung lập hơn. Tương tự như vậy, nếu thành viên trong gia đình bạn có một số điểm tiêu cực khiến bạn bị ảnh hưởng theo hướng không tốt, hãy cố gắng tập trung vào những mặt tích cực.
Lắng nghe và cảm thông bất cứ khi nào bạn có thể cũng đặc biệt quan trọng. Nhưng cũng đừng vì thế mà chịu đựng và chấp nhận nếu bạn đang bị đối xử một cách tồi tệ. Hãy quyết đoán và cho các thành viên trong gia đình biết khi họ đã trở nên quá đáng là điều tốt.
Và, nếu cuộc trò chuyện diễn ra ngoài tầm kiểm soát, hãy biết khi nào nên tạm dừng. Chỉ cần cố gắng một chút, bạn có thể có một cuộc trò chuyện mà các thành viên tôn trọng lẫn nhau kể cả khi mọi người không đồng tình với nhau.
Hãy Là Chính Mình
Khi mọi người ngồi với gia đình, không có gì lạ nếu họ quay trở lại những khuôn mẫu hành vi cũ. Nhưng nếu bạn đã phát triển vượt ra ngoài những vai trò cũ này và chúng không còn phản ánh bạn là ai, do đó đừng ngại thể hiện con người của bạn hiện tại. Việc luôn sống thật với chính mình không phải điều dễ dàng nhưng cuối cùng bạn sẽ thấy vui vì mình đã làm được.
Khi các thành viên trong gia đình đề cập đến việc bạn đã thay đổi như thế nào hoặc nói với bạn rằng họ nhớ con người trước đây của bạn đến mức nào, đừng cảm thấy bắt buộc phải trở thành người đó một lần nữa, đặc biệt là nếu bạn đã thay đổi vì một lý do nào đó. Ví dụ, nếu bạn đã từng là một người nghiện rượu nặng và luôn tiệc tùng, các thành viên trong gia đình có thể khó thích nghi với việc nhìn thấy bạn mà không có đồ uống trên tay. Nhưng, họ sẽ quen thôi. Bạn không cần phải hy sinh con người hiện tại của mình để làm cho người khác cảm thấy thoải mái. Điều này được gọi là cố làm hài lòng mọi người và đó là một thói quen không tốt cho sức khỏe.
Nhìn Nhận Những Định Kiến Trong Gia Đình
Thông thường, các định kiến phát sinh từ một niềm tin sai lầm hoặc ý niệm rằng cần đối xử khác biệt hoặc ít tôn trọng và cân nhắc đến một số nhóm người nhất định. Một số định kiến phổ biến liên quan đến chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, giới tính và khuynh hướng tình dục.
Khi bạn chứng kiến định kiến trong gia đình, điều quan trọng là phải giải quyết khéo léo ngay lập tức. Đôi khi các thành viên trong gia đình không nhận ra rằng những gì họ đang làm hoặc đang nói là xúc phạm và sỉ nhục. Việc nói về sự khoan dung và chấp nhận là điều quan trọng để giải quyết vấn đề này và hãy cần chắc chắn để làm điều đó với tình yêu thương.
Nếu bạn trở nên xúc động, phán xét hoặc tức giận, các thành viên trong gia đình của bạn có khả năng tập trung vào những điều đó thay vì nghe những gì bạn đang nói. Và, nếu họ không muốn tôn trọng, bạn có thể cần thiết lập một số ranh giới với họ. Là gia đình không có nghĩa là họ có quyền đối xử thiếu tôn trọng với bạn hay bất kỳ ai khác.
>>> Tham Khảo: Liệu Pháp Gia Đình Là Gì?
Đối Phó Với “Phốt” Gia Đình
Đôi khi các gia đình tràn ngập những câu chuyện phiếm, đâm sau lưng và các loại quan hệ xấu khác. Khi điều này xảy ra, tốt nhất là bạn nên dừng nó lại hoặc tránh xa nó hoàn toàn. Không có gì tốt đẹp trong việc xúc phạm, nói xấu sau lưng và chọc phá mọi người với nhau.
Ngay cả khi bạn không tham gia vào những vấn đề này, việc ngồi nghe những từ ác ý này mang hàm ý là bạn có thể chấp nhận nó. Thay vào đó, hãy thử chuyển hướng cuộc trò chuyện hoặc tạm thời bỏ đi. Bạn cũng có thể trực tiếp hơn và cho biết rằng bạn không thoải mái với cuộc trò chuyện.
Điều quan trọng là cho thành viên gia đình của bạn biết rằng bạn không muốn tham gia vào vấn đề.
Giải Quyết Sự Ganh Đua Và Ghen Tỵ Giữa Anh Chị Em Trong Gia Đình
Mối quan hệ anh chị em rất phức tạp, nhưng thậm chí còn hơn thế nếu anh chị em có sự ganh đua hoặc ghen tị. Trên thực tế, sự ganh đua giữa anh chị em khi trưởng thành có thể gây ra những mối quan hệ căng thẳng khiến anh chị em tranh cãi và đấu tranh mà khó có thể hòa hợp.
Hãy cố gắng đừng coi nặng việc thiên vị hoặc để nó tác động đến mối quan hệ của bạn với gia đình. Mặc dù có vẻ như cha mẹ của bạn gần gũi hơn với anh chị em nhưng điều này không có nghĩa là điều đó đúng hoặc rằng cha mẹ của bạn yêu anh chị em đó hơn bạn. Và bất cứ điều gì bạn làm, đừng duy trì những cảm xúc này bằng cách cạnh tranh với anh chị em của mình.
>>> Xem Thêm: Sự Thân Mật Có Đang Làm Xói Mòn Quyền Riêng Tư?
Lời Kết
Mặc dù bạn không thể kiểm soát các loại mối quan hệ mà bạn có với các thành viên trong gia đình nhưng bạn có thể tạo ra sự hài hòa hơn trong các mối quan hệ của mình. Hướng tới việc củng cố và cải thiện các mối quan hệ gia đình của bạn. Hãy cởi mở, trung thực và cảm thông, nhưng đừng ngại đặt ra ranh giới với các thành viên gia đình độc hại hoặc ngược đãi. Bạn không phải chịu đựng sự lạm dụng chỉ vì bạn có quan hệ huyết thống với những thành viên đó.
Nguồn: How to Have Healthy Family Relationships With Less Stress. Verywell Mind (2020).
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn
Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn