Bên cạnh bắt nạt trực tuyến, bắt nạt nơi làm việc và thậm chí bắt nạt anh chị em ruột, bắt nạt cũng có thể xảy ra trong gia đình giữa những người trưởng thành. Bất kỳ thành viên nào trong gia đình đều có thể là kẻ bắt nạt và bất kỳ người nào cũng có thể là mục tiêu. Trong gia đình bạn, người bắt nạt bạn có thể là anh chị em ruột, cha mẹ, cô dì, chú bác, ông bà, con cái đã trưởng thành hoặc thậm chí là bố mẹ chồng của bạn. Nếu bạn phải đối mặt với vấn đề bắt nạt trong gia đình, bài viết này sẽ cung cấp những điều bạn cần biết để ứng phó.
Bắt Nạt Trong Gia Đình Là Gì?
Hầu hết thời gian, bắt nạt trong gia đình (family bully) diễn ra dưới hình thức gây hấn trong quan hệ, nhưng trong những trường hợp cực đoan, nó cũng có thể leo thang thành bắt nạt thể xác. Tuy nhiên, thông thường, những kẻ bắt nạt trong gia đình sử dụng sự thao túng, sỉ nhục và đe dọa.
Các thành viên trong gia đình cũng có thể liên tục chỉ trích, thường xuyên đổ lỗi cho nạn nhân, gọi tên nạn nhân một cách cợt nhả và từ chối coi trọng hoặc đánh giá cao họ. Kẻ bắt nạt trong gia đình thậm chí có thể thực hiện hành vi châm chích hoặc cố gắng cô lập mục tiêu bằng cách khiến các thành viên khác trong gia đình chống lại họ hoặc sử dụng biện pháp im lặng để cô lập và chia rẽ nạn nhân, nhằm loại bỏ nạn nhân khỏi vòng tròn gia đình.
Đôi khi, bắt nạt trong gia đình xảy ra chỉ vì người bắt nạt chưa bao giờ học được cách thiết lập và giữ gìn quan hệ với người khác một cách lành mạnh. Nhưng nó cũng có thể xảy ra vì kẻ bắt nạt muốn thao túng và kiểm soát các tình huống.
Điều quan trọng cần lưu ý là bắt nạt gia đình không giống như bạo lực gia đình – điều xảy ra giữa các đối tác đang hẹn hò, chung sống hoặc đã kết hôn. Mặc dù mục đích giống nhau và có một số sự chồng chéo trong các loại hành vi nhưng bắt nạt gia đình thường liên quan đến các thành viên gia đình trưởng thành không phải là đối tác thân thiết.
Tham khảo: Hiểu rõ về bắt nạt
Ảnh Hưởng Của Bắt Nạt Gia Đình
Giống như bắt nạt truyền thống hoặc bắt nạt trên mạng, việc bị bắt nạt trong gia đình có thể có tác động lâu dài. Theo một cuộc khảo sát do Hiệp hội Hoa Kỳ (AOE) thực hiện, những người trưởng thành bị bắt nạt phải chịu một số hậu quả về thể chất và tinh thần do bị bắt nạt. Chẳng hạn, 71% đối tượng bị bắt nạt trong gia đình cho biết họ đang phải vật lộn với căng thẳng, 70% cho biết trầm cảm và lo lắng là mối lo ngại, và 55% cho biết họ mất tự tin. Các tác động khác của việc bắt nạt người lớn bao gồm mất ngủ, nhức đầu, căng cơ và đau đớn. Gần 20% những người bị gia đình bắt nạt nói rằng họ bị suy sụp tinh thần vì bị bắt nạt; 17% cho biết họ không thể hoạt động từ ngày này qua ngày khác.
Tham khảo: Ảnh hưởng của bắt nạt đối với sức khỏe tâm thần
Dấu Hiệu Cảnh Báo Bắt Nạt Gia Đình
Các dạng bắt nạt của người lớn tinh vi, lôi cuốn và kiểm soát “con mồi” tốt hơn so với những gì trẻ em làm. Bắt nạt có xu hướng xảy ra chậm hơn theo thời gian thông qua những hành động và lời nói nhỏ nhặt nhưng cực tinh vi. Thậm chí, nó tinh vi đến mức khiến bạn hoang mang và nghi ngờ nhận thức của mình về việc liệu mình có đang bị bắt nạt hay không. Bạn thậm chí còn phải đặt câu hỏi về trí nhớ hoặc khả năng phán đoán của mình.
Nhận biết các dấu hiệu bắt nạt liên quan đến việc xem xét cách tương tác của bạn với người khác khiến bạn cảm thấy như thế nào. Nếu bạn cảm thấy bị tổn thương, bối rối, thất vọng, bị hiểu lầm, lo lắng, vô dụng hoặc giống như đang đi trên vỏ trứng bất cứ khi nào bạn tương tác với người này, thì khả năng cao là bạn đang bị bắt nạt.
Các Dấu Hiệu Của Bắt Nạn Gia Đình
Có những kỳ vọng không thực tế hoặc đưa ra những yêu cầu vô lý
Đổ lỗi cho bạn khi mọi thứ đi sai hướng (victim blaming)
Vô hiệu hóa suy nghĩ và cảm xúc của bạn bằng cách làm suy yếu, giảm thiểu hoặc loại bỏ bạn hoặc suy nghĩ của bạn.
Tạo ra sự hỗn loạn trong cuộc sống của bạn bằng cách bắt đầu tranh luận, soi mói hoặc đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn.
Sử dụng tống tiền tình cảm như một cách để kiểm soát bạn hoặc khiến bạn cảm thấy tội lỗi. Ví dụ như “mày giàu thế mà không cho cô/ chú vay tiền là mày keo kiệt rồi”.
Hành động trịch thượng nhằm cố gắng vượt lên trên bạn hoặc chứng minh bạn sai.
Mang các giá trị của bạn ra làm trò đùa hoặc mỉa mai và hạ thấp bạn trong các cuộc trò chuyện của họ.
Cắt giảm sự thành công hoặc phóng đại điểm yếu và sai sót của bạn như một cách để khiến bạn cảm thấy thấp kém.
Buộc tội bạn ích kỷ, nghèo nàn hoặc thiếu trách nhiệm với gia đình
Đối xử với bạn trong im lặng hoặc cố gắng khiến các thành viên khác trong gia đình quay lưng lại với bạn hoặc xa lánh bạn.
Một Số Cách Ứng Phó Với Bắt Nạt Gia Đình
Tự Khẳng Định Mình
Hãy học cách tự đứng lên bảo vệ mình. Trở nên quyết đoán có nghĩa là bạn trung thực về cảm giác của mình mà không hành động hung hăng và bị cuốn theo sự bắt nạt bản thân. Hãy nêu cụ thể về vấn đề một cách khách quan và lý trí mà không cảm xúc.
Nhưng hãy chuẩn bị tinh thần nếu như kẻ bắt nạt thách thức nhận thức của bạn hoặc nói với bạn rằng bạn không thực tế, ích kỷ hoặc quá nhạy cảm. Điều quan trọng là bạn không giống như những lời buộc tội này, chúng chỉ là một nỗ lực khác để kiểm soát bạn hoặc thao túng tình hình.
Duy trì tư thế cơ thể tích cực, giao tiếp bằng mắt, đứng thẳng lưng, ngẩng đầu, giữ khuôn mặt bình thường và nói những điều khách quan một cách rành mạch. Diễn tập những gì bạn muốn nói với người mà bạn tin tưởng, chẳng hạn như bạn bè hoặc cố vấn. Tránh thảo luận về những cảm xúc và cảm giác tiêu cực mà hãy tập trung vào sự trung thực, trực tiếp và thẳng thắn.
Ngoài ra, hãy chuẩn bị tinh thần cho thực tế là người bắt nạt bạn có thể không phản ứng như bạn mong đợi. Họ có thể chẳng thay đổi gì, mọi thứ có thể không cải thiện chút nào, nhưng ít nhất bạn đã đứng lên bảo vệ bản thân và chia sẻ cảm giác của mình.
Tham khảo: Khái niệm về bản thân (Self-concept)
Thiết Lập Ranh Giới
Điều quan trọng là tạo ranh giới vững chắc giữa bạn và kẻ bắt nạt. Nếu một thành viên trong gia đình đang bắt nạt bạn, hãy nhớ rằng:
Bạn biết giới hạn của bạn và giá trị của bạn. Những nhận thức này sẽ giúp bạn phát triển các ranh giới phù hợp. Ví dụ, có thể bạn không ngại một vài câu nói bông đùa hoặc thỉnh thoảng là đôi lời trêu chọc, nhưng bạn lại có giới hạn khi nhắc đến tên bạn và danh xưng của bạn.
Lắng nghe cảm xúc và cảm xúc của mình. Dành thời gian suy nghĩ xem hành động của thành viên gia đình khiến bạn cảm thấy thế nào. Những cảm giác và cảm xúc này sẽ cung cấp cho bạn manh mối về những gì bạn muốn thay đổi hoặc những gì bạn không thể chịu đựng được nữa.
Tự tin với giá trị bản thân và nhu cầu của bạn. Đừng cảm thấy tội lỗi khi thiết lập và thực thi các ranh giới. Mong muốn và nhu cầu của bạn là hợp lệ và cảm xúc của bạn cũng vậy. Bạn không cần phải chịu đựng hành vi xấu chỉ vì lợi ích của gia đình.
Ưu tiên chăm sóc bản thân. Khi bạn thiết lập ranh giới, bạn đang chăm sóc sức khỏe cảm xúc, thể chất và tinh thần của mình. Chẳng có vấn đề gì với việc này cả. Thiết lập ranh giới với người dễ bị bắt nạt giúp bạn ưu tiên chăm sóc và bảo vệ bản thân.
Hãy nói trực tiếp và rõ ràng về những kỳ vọng của bạn. Bạn có thể cần luyện tập trước, nhưng hãy đảm bảo rằng khi bạn chia sẻ ranh giới của mình, bạn sẽ thẳng thắn và đi thẳng vào vấn đề. Hãy nói cụ thể về hành vi khiến bạn khó chịu và sau đó cho kẻ bắt nạt biết rằng bạn sẽ không chịu đựng được nữa.
Nói về hậu quả nếu ranh giới của bạn bị vượt qua. Khi bạn đã thiết lập một ranh giới, chẳng hạn như "Tôi cảm thấy bị tổn thương khi bạn gọi tên tôi cợt nhả và tôi sẽ không chấp nhận cách đối xử đó" thì hãy đính kèm một hệ quả. Ví dụ, "Nếu lần sau bạn còn gọi tên tôi một cách cợt nhả, tôi sẽ kết thúc cuộc trò chuyện của chúng ta."
Hãy chuẩn bị tâm thế vững vàng để phản ứng và kháng cự lại. Nhiều khi, kẻ bắt nạt trong gia đình sẽ cố tình bắt nạt bạn để kiểm tra xem ranh giới và sức chịu đựng của của bạn đến đâu và bạn có đủ vững vàng không. Hãy chuẩn bị cho điều này xảy ra và lên kế hoạch về cách bạn sẽ xử lý nó. Các biện pháp có thể quyết liệt nhưng hãy nhớ rằng sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn rất quan trọng và không có gì sai khi bảo vệ bản thân.
Tránh Xúc Động
Hãy giữ bình tĩnh và tránh hành động trong sự tức giận hoặc thất vọng. Hãy nhớ rằng bạn không thể kiểm soát kẻ bắt nạt, nhưng bạn có thể kiểm soát phản ứng của mình.
Hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn có một sự lựa chọn. Bạn không cần phải ở lại chịu đựng sự ngược đãi. Bạn có thể rời đi, đứng lên chống lại kẻ bắt nạt, thiết lập ranh giới hoặc cố gắng phớt lờ kẻ bắt nạt và đừng cho kẻ bắt nạt thoải mái làm những gì họ muốn.
Duy trì sự bình tĩnh của bạn và làm những điều khiến người khác tôn trọng. Cho dù người bắt nạt bạn có hành vi không phù hợp thì cũng không nên cho phép chính mình hành xử lại như vậy. Cố gắng hết sức để duy trì phẩm giá của bạn và chọn cách bạn muốn đáp lại.
Trò Chuyện Và Ở Cạnh Những Người Mà Bạn Tin Tưởng
Đôi khi, việc chia sẻ chi tiết về trải nghiệm của bạn với một người bạn đáng tin cậy có thể hữu ích. Hãy tìm một người mà bạn có thể tâm sự. Tránh xa những lời đàm tiếu nhưng hãy tìm một người sẽ hỗ trợ bạn khi một vụ bắt nạt xảy ra. Một số người chọn nói với một thành viên khác trong gia đình thay vì nói với một người bạn, nhưng hãy cẩn thận khi làm như vậy. Đôi khi các thành viên trong gia đình cảm thấy họ cần phải khắc phục tình hình và cuối cùng sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn trong quá trình này. Hãy cố gắng nói chuyện với một người sẽ giữ bí mật những gì bạn nói và không làm cho tình hình trở nên khó khăn hơn.
Dành Thời Gian Để Nạp Lại Năng Lượng
Thay vì dành thời gian cho một sự kiện gia đình và phải ở cạnh kẻ bắt nạt trong một thời gian, hãy lên kế hoạch dành thời gian cho bản thân. Đi dạo, đi du lịch, đọc một quyển sách hay, đi thư giãn tại các spa hoặc các câu lạc bộ. Hãy làm những điều giúp bạn giảm căng thẳng và loại bỏ năng lượng tiêu cực mà kẻ bắt nạt mang đến cuộc sống của bạn. Nếu sự bắt nạt trong gia đình bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe cảm xúc của bạn, hãy tìm một nhà trị liệu chuyên về các vấn đề gia đình để nhận được sự giúp đỡ kịp thời.
Tham khảo: Cách giúp mối quan hệ trong gia đình trở nên lành mạnh
Lời Kết
Bạn không thể kiểm soát hành vi hoặc lựa chọn của người khác, nhưng bạn hoàn toàn có thể học cách quyết đoán, thiết lập ranh giới và chăm sóc bản thân để ngăn chặn các hành vi bắt nạt trong gia đình. Và trong một số trường hợp, bạn sẽ cần cắt đứt quan hệ với người bắt nạt mình. Đây có thể là một quyết định khó thực hiện, nhưng cuối cùng, điều quan trọng bạn cần nhớ là bạn đang chăm sóc và bảo vệ bản thân mình.
Nguồn: 6 Ways to Deal With the Family Bully - VerywellFamily