LGBT Là Gì? Các Thuật Ngữ Cơ Bản Về LGBT+

Trong một khảo sát được thực hiện vào tháng 2-3/2023 bởi Ipsos, cứ 10 người thì có 1 người nằm trong cộng đồng LGBT+. Sự hiện diện của cộng đồng LGBT+ bắt đầu gia tăng kể từ năm 2021, khi Ipsos bắt đầu thực hiện khảo sát toàn cầu. Gần một nửa (47%) người trưởng thành cho biết họ có người thân, bạn bè, hay đồng nghiệp là người đồng tính nam hoặc người đồng tính nữ, so với 41% vào năm 2021[1].

Một số người cho rằng có sự gia tăng dân số tập trung vào nhóm LGBT+, nhưng trên thực tế, sự phát triển của các phong trào ủng hộ, nâng cao nhận thức và hiểu biết về giới đã giúp cho nhiều người có cơ hội khám phá bản thân, cất lên tiếng nói và tìm được cộng đồng mà họ thuộc về.

Với trẻ em và trẻ vị thành niên, các em cần trang bị kiến thức thực tế về giới để có thể phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, khi kiến thức về giới ngày càng được cập nhật và có sự khác biệt lớn giữa thế hệ cha mẹ, thầy cô và thế hệ học sinh hiện tại, nhà trường và phụ huynh sẽ cần cập nhật và chia sẻ hiểu biết chung về kiến thức giới tính, trong nỗ lực truyền tải thông tin và nguồn lực thiết yếu, phù hợp nhất cho các em.

Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin cơ bản về LGBT+, giới, các vấn đề chung của trẻ nằm trong nhóm LGBT+, và các hoạt động được đề xuất để nâng cao nhận thức về giới/cộng đồng LGBT+ tại trường học.

1. LGBT Là Gì? 

LGBT+ là thuật ngữ chung dùng để chỉ bất kỳ ai không định dạng bản thân là người dị tính (heterosexual - người có hấp dẫn tình dục với người khác giới) hay người hợp giới (cisgender - người có bản dạng giới đồng nhất với giới tính sinh học khi được sinh ra). LGBT+ là viết tắt cho Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (song tính), và Transgender/Transsexual (người chuyển giới), với dấu cộng ‘+’ dùng để bao gồm những người mà định danh của họ không phù hợp với những diễn ngôn về giới tính nhị nguyên (chỉ có nam và nữ), cũng như những người định danh bản thân vào những nhóm khác, hoặc định danh theo cách hiểu riêng của họ về giới [2][3].

Người nằm trong cộng đồng LGBT+ (sau đây gọi tắt là người LGBT+) tự định dạng bản thân họ theo cách họ hiểu về bản thân, không phải theo cách người khác “phân loại" và áp đặt cho họ phải gọi là “bisexual" hay “transgender".

2. Các Thuật Ngữ Cơ Bản Về Giới

Để hiểu hơn về cộng đồng LGBT+, bạn có thể tham khảo danh sách từ ngữ và khái niệm bên dưới:

2.1. Giới tính sinh học (Biological sex): Trong sinh học, các đặc điểm giới tính như bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể, được sử dụng để phân loại giới tính. Dựa vào đó, giới tính sinh học bao gồm: Giới tính nam, giới tính nữ, và liên giới tính (intersex) - những người có đặc điểm giới tính sinh học không đặc trưng của nam hay nữ[4].

2.2. Bản dạng giới (Gender identity): Trong khi giới tính (sex) được xác định qua những đặc điểm di truyền học, thì giới (gender) được định nghĩa bởi xã hội, văn hoá và trải nghiệm cá nhân. Bản dạng giới của một người không nhất thiết phải xác định dựa trên giới tính sinh học hoặc xu hướng tính dục của người đó. Đó là giới mà một cá nhân tự cảm nhận. Một số người cảm thấy việc định danh một cách nhị nguyên chỉ có “nam” và “nữ" không phù hợp với họ, và phần lớn họ thường mô tả bản thân là phi nhị nguyên (non-binary), và có danh xưng khác không phải anh ấy/cô ấy/...

2.3. Xu hướng tính dục (Sexual orientation): Bao gồm xu hướng tình dục và xu hướng tình cảm, chỉ sự hấp dẫn về mặt tình dục, hay tình cảm một cách lâu dài với một hay nhiều giới khác nhau. Xu hướng tính dục thường được phân loại dựa trên giới của những người hấp dẫn mình, ví dụ như đồng tính luyến ái là người có sự hấp dẫn về mặt tình dục và tình cảm với người đồng giới). Ngoài ra, một số người có xu hướng không bị hấp dẫn về mặt tình cảm/tình dục gọi bản thân là người vô tính luyến ái (asexual).

LGBT+ được viết tắt bởi 4 xu hướng tính dục phổ biến bao gồm:

  • L - Lesbian (đồng tính nữ): Dùng để chỉ người có giới nữ, có trải nghiệm thu hút về mặt tình dục/tình cảm với giới nữ.

  • G - Gay (đồng tính nam): Dùng để chỉ người có giới nam, có trải nghiệm thu hút về mặt tình dục/tình cảm với giới nam. Gay cũng được sử dụng để chỉ đồng tính luyến ái nói chung.

  • B - Bisexual (song tính): Song tính là người cảm thấy bị thu hút về mặt tình cảm hay tình dục với hai giới khác nhau. Hai giới đó có thể là nam, nữ, hoặc một người không định danh bản thân là nam hay nữ (non-binary).

  • T - Transgender/Transsexual (người chuyển giới): Khi bản dạng giới của một người không trùng với giới tính sinh học của họ, họ là người chuyển giới. Người chuyển giới có thể có bản dạng giới là nam hoặc nữ. Trong nhiều trường hợp, người chuyển giới có thể là cả nam và nữ hoặc không có giới. Người chuyển giới thường được chia thành người chuyển giới nam (transguy/transman) - người có giới tính sinh học là nữ nhưng bản dạng giới là nam, và người chuyển giới nữ (transgirl/transwoman) - người có giới tính sinh học là nam nhưng bản dạng giới là nữ.

2.4. Thế hiện giới (Gender expression): Thể hiện giới là cách ta thể hiện bản dạng giới ra bên ngoài, biểu hiện qua trang phục, màu sắc, vật dụng cá nhân. Thể hiện giới của một người có thể trùng với thể hiện giới thông thường ở bản dạng giới, nhưng không cần thiết phải luôn đồng nhất với bản dạng giới. Thông thường, các thể hiện giới bao gồm nam tính, nữ tính, và trung tính [5].

Một số thuật ngữ khác mà bạn có thể từng nghe qua như:

  • Queer và Questioning: Queer dùng để chỉ các cá nhân trong cộng đồng LGBT+. Trong lịch sử, queer thường được dùng với hàm ý miệt thị, tương tự “bê đê", “đồng bóng" tại Việt Nam. Ngày nay, cộng đồng LGBT+ đã cố gắng “cải tạo" cách sử dụng từ để chống lại sự kỳ thị. Questioning dùng để chỉ những người đang trong giai đoạn tìm hiểu, khám phá về tính dục của bản thân, và họ có thể không chắc chắn về bản dạng giới, xu hướng tính dục của mình có theo một “nhãn" trong cộng đồng LGBT+ hay không [6].

  • Ally (Đồng minh): Ally không phải là một nhãn tính dục như bisexual hay nhãn giới như genderfluid. Ally dùng để chỉ những người ủng hộ, tôn trọng, và đồng hành cùng cộng đồng LGBT+.

3. Một Số Hiểu Lầm Phổ Biến Về Giới Tính, Xu Hướng Tính Dục & Cộng Đồng LGBT+

Hiểu Lầm #1: Xu Hướng Tính Dục Là Một Lựa Chọn

Xu hướng tính dục thường có tính bền vững, không phải một lựa chọn cá nhân và không thể thay đổi. Một người với giới tính sinh học là nam không lựa chọn mình là người đồng tính nam khi lớn lên, mà qua thời gian khám phá và trải nghiệm, họ nhận thấy mình được thu hút và có tình cảm với những người có giới tính là nam.

Khi giáo dục về giới còn nhiều hạn chế, cũng như đây là một chủ đề nhiều người còn e dè, né tránh khi bàn luận, rất nhiều người mất hàng năm trời, thậm chí hàng chục năm để biết được bản dạng giới hay xu hướng tính dục mà họ thuộc về.

Hiểu Lầm #2: Người Trong Cộng Đồng LGBT+ Là Những Người Có Vấn Đề Về Tâm Lý

Vào 17/5/21990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức loại bỏ “đồng tính" (homosexuality) ra khỏi ICD-10 (Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh và vấn đề sức khỏe liên quan). Kể từ đó, ngày 17 tháng 5 hàng năm được ghi nhớ là ngày Quốc tế chống kì thị người đồng tính và chuyển giới (IDAHOT) [7]. Trong lĩnh vực tâm lý trị liệu, kể từ năm 1994, đồng tính đã không còn được coi là một “bệnh", không còn được liệt kê trong DSM-V.

Tại Việt Nam, vào tháng 8/2022, Công văn số 4132/BYT-PC từ Bộ Y tế đã yêu cầu không can thiệp, ép buộc điều trị với người đồng tính; phổ biến để các bác sĩ, nhân viên y tế và người dân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiểu đúng về cộng đồng LGBT+, cũng như loại bỏ các dịch vụ “chữa bệnh đồng tính", các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính. Các dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho người trong cộng đồng LGBT+ cần phải được thực hiện do người có hiểu biết về cộng đồng và bản dạng giới thực hiện [8].

Từ các thông tin trên, ta có thể thấy Việt Nam cũng như các tổ chức về sức khoẻ, tâm lý hàng đầu thế giới đã công nhận đồng tính không phải “bệnh", và người trong cộng đồng LGBT+ không cần phải “chữa trị” và bị ép buộc thay đổi xu hướng tính dục, bản dạng giới. 

Hiểu Lầm #3: Tiếp Xúc Với Người Trong Cộng Đồng LGBT+ Có Thể “Lây" Đồng Tính

Do đồng tính không phải một căn bệnh, việc tiếp xúc, gặp gỡ với những người trong cộng đồng LGBT+ không làm thay đổi xu hướng tính dục, bản dạng giới, hay giới tính sinh học của một người.

Cộng đồng LGBT+ không sống riêng rẽ và độc lập, họ có thể nằm trong bất kỳ độ tuổi, màu da, dân tộc, làm việc trong đa dạng ngành nghề và sống ở rất nhiều nơi trên thế giới. Việc có một người bạn, một người đồng nghiệp hay một người hàng xóm nằm trong cộng đồng LGBT+ có thể giúp một người hiểu biết thêm về cộng đồng, các khái niệm về giới, từ đó mở rộng cơ hội khám phá thêm về bản thân.

Kết Luận

Các thuật ngữ và khái niệm về giới có thể phức tạp và khó hiểu cho những người chưa bao giờ tiếp xúc. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị và cởi mở, những hiểu biết về giới và cộng đồng LGBT+ có thể cho ta cơ hội khám phá những khía cạnh mới ở bản thân và thấu hiểu người khác.

Tham khảo:

[1] Global survey finds 9% of adults identify as LGBTQ. NBC News.

[2] What Does LGBT Mean? Know the Basics. engage.youth.gov.

[3] LGBT+. Council of Europe.

[4] Tính dục: 7 thuật ngữ thông dụng bạn nên biết. Vietnam Youth Alliance.

[5] Tất tần tật về thuật ngữ trong cộng đồng LGBT. Vietnam Youth Alliance.

[6] “Queer” và “Questioning”: những nhãn dán LGBT mới? Vietnam Youth Alliance.

[7] 17 May: International Day Against Homophobia and Transphobia. European Council.

[8] Đồng tính không phải là bệnh, không cần chữa. Thanh Niên.

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)

Email: info@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/