Hiện nay, ngày càng nhiều trẻ được chẩn đoán chậm phát triển và có rối loạn tâm lý, cần tham gia các chương trình can thiệp hoặc giáo dục đặc biệt trong những năm đầu đời. Tại Anh, gần 1.5 triệu học sinh ghi nhận tham gia chương trình giáo dục đặc biệt (SEN) vào năm 2022, và con số này đã liên tục gia tăng kể từ năm 2016 [1].
Bên cạnh các tiến bộ trong y khoa và công nghệ đã giúp cho việc đánh giá, chẩn đoán có độ chính xác cao, cũng như sự gia tăng trong nhận thức xã hội về các rối loạn phổ biến như tự kỷ, có rất nhiều yếu tố trong cuộc sống hiện đại đã ảnh hưởng lên khả năng phát triển của trẻ. Ví dụ, các thiết bị điện tử được cho là có tác động tiêu cực lên khả năng ngôn ngữ của trẻ [2]. Để giúp con được phát triển toàn diện và khoẻ mạnh, nhiều bậc phụ huynh đã đưa trẻ tới các trung tâm tâm lý hay bệnh viện để đánh giá tâm lý từ sớm, và có chiến lược giáo dục tốt nhất cho con.
Vậy, dịch vụ đánh giá tâm lý trẻ em là gì? Khi nào phụ huynh cần đưa con đi đánh giá tâm lý? Ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Viện Tâm lý Việt - Pháp.
Dịch Vụ Đánh Giá Tâm Lý Trẻ Em Là Gì?
Dịch vụ đánh giá - chẩn đoán rối loạn phát triển và vấn đề tâm lý trẻ em là dịch vụ cung cấp bởi các nhà tâm lý hoặc các bác sỹ tâm thần, giúp cho phụ huynh có thêm thông tin về tình trạng sức khoẻ tâm lý - tâm thần của trẻ. Dựa theo kết quả đánh giá, nhà tâm lý hoặc bác sỹ sẽ tư vấn thêm, giúp cha mẹ đưa ra quyết định tốt hơn trong việc điều trị, can thiệp cho con.
Việc phát hiện sớm các vấn đề tâm lý hoặc rối loạn phát triển sẽ giúp trẻ nhận được sự can thiệp phù hợp, kịp thời, giảm thiểu tác động xấu tới khả năng phát triển trí tuệ, cảm xúc, hành vi của trẻ trong tương lai. Do đó, khi quan sát trẻ có những biểu hiện bất thường với lứa tuổi hoặc cha mẹ không giải thích được, cha mẹ có thể tìm tới sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý để được giải đáp.
Một Số Vấn Đề Tâm Lý, Rối Loạn Phát Triển Phổ Biến Ở Trẻ Em
Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý (ADHD)
Trẻ em đôi khi gặp khó khăn trong việc tập trung, lắng nghe, ngồi yên một chỗ, hoặc chờ đợi. nhưng với trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (attention-deficit hyperactivity disorder - ADHD), chúng thường xuyên phải xoay xở để làm tốt các việc trên.
Những đứa trẻ mắc ADHD không cố tình làm khó dễ cho cha mẹ. ADHD là một dạng rối loạn hành vi, ảnh hưởng tới khả năng tập trung và tự chủ của trẻ. Trẻ được chẩn đoán mắc ADHD sẽ mất nhiều thời gian để học cách kiểm soát hành vi của mình, tập trung trên lớp, cũng như hoà nhập với những người bạn mới. Các triệu chứng ADHD biểu hiện rõ nhất khi trẻ bắt đầu vào cấp 1 (7 tuổi) [3][4].
>>> Tham Khảo: 10 Dấu Hiệu Nhận Biết Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý (ADHD) Ở Trẻ Em
Rối Loạn Phổ Tự Kỷ (Autism/ASD)
Rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder - ASD, hay gọi tắt là tự kỷ) là một rối loạn trong não bộ, khởi phát từ những năm đầu đời của trẻ. Tự kỷ ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp và tương tác xã hội, cùng với việc liên tục lặp lại và thu hẹp các khuôn mẫu hành vi hoặc đối tượng quan tâm [5].
Tự kỷ không phải một bệnh lý. Não bộ của trẻ tự kỷ có cách hoạt động riêng, và chúng cần sự hỗ trợ và phương pháp giáo dục riêng để có thể hoà nhập với mọi người trong gia đình và xã hội.
Tự kỷ là một phổ (spectrum). Điều đó có nghĩa, mỗi đứa trẻ tự kỷ sẽ có tình trạng khác nhau. Một số đứa trẻ không cần nhiều sự trợ giúp từ người khác. Một số đứa trẻ khác gặp khó khăn trong việc học và sinh hoạt hàng ngày.
Các kỹ thuật chẩn đoán ngày nay có thể giúp chẩn đoán tự kỷ cho trẻ dưới 2 tuổi [6].
Rối Loạn Lo Âu
Lo âu là một trạng thái thường gặp, xảy ra với bất cứ ai. Vậy nhưng, khi gặp rối loạn lo âu (anxiety disorder), trẻ liên tục trải qua cảm giác sợ hãi, lo lắng, ngại ngùng, và tránh xa các địa điểm, hoạt động nào đó, bất chấp sự hỗ trợ và trấn an từ cha mẹ, bạn bè, hay giáo viên.
Rối loạn lo âu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học và sinh hoạt của trẻ. Nghiên cứu đã chỉ ra việc không điều trị “dứt điểm", trẻ mắc rối loạn lo âu có thể gặp nguy cơ cao trong việc học tập sa sút, bỏ qua các trải nghiệm xã hội thiết yếu, và lạm dụng chất kích thích.
Rối loạn lo âu là thuật ngữ chỉ một nhóm các rối loạn tâm lý bao gồm rối loạn lo âu lan toả (GAD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn hoảng sợ (panic disorder), rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), rối loạn lo âu xã hội, và một số chứng sợ hãi đặc biệt (phobia) khác [7].
Thông qua việc chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ từ gia đình, nhà trường, trẻ gặp rối loạn lo âu có thể học cách kiểm soát các triệu chứng lo âu và có một tuổi thơ lành mạnh, vui vẻ.
Trầm Cảm Ở Trẻ Em
Trầm cảm là một rối loạn khí sắc khuếch đại và kéo dài các cảm xúc buồn bã, tiếc thương, đau khổ, hay các triệu chứng liên quan. Trầm cảm có thể diễn ra mà không cần một tác động hay sự kiện rõ ràng (có người thân mất, cha mẹ ly thân, tai nạn,...) [8].
Trẻ nhỏ thường gặp khó khăn trong việc gọi tên cảm xúc, hoặc có xu hướng lảng tránh, không đề cập tới những cảm giác tiêu cực mà chúng trải qua. Có 02 triệu chứng trầm cảm phổ biến mà cha mẹ có thể nhận biết, bao gồm:
Thấy con buồn bã, khóc lóc, khó chịu thường xuyên, với tinh thần đi xuống (low mood) cả ngày
Con không còn hứng thú, tận hưởng các hoạt động, trò chơi mà con từng rất thích
Nếu cha mẹ ghi nhận con có các dấu hiệu kéo dài 02 tuần trở lên, cha mẹ có thể cân nhắc cho con đi gặp nhà tâm lý.
>>> Tham Khảo: Tổng Quan Về Trầm Cảm Ở Trẻ Em Dưới 13 Tuổi
Rối Loạn Ăn Uống
Một nghiên cứu gần đây cho thấy cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ gặp chứng rối loạn ăn uống (eating disorder) [9]. Tỉ lệ trẻ dưới 12 tuổi, không phân biệt giới tính, ghi nhận mắc rối loạn ăn uống ngày càng tăng [10], điều này khiến cho cha mẹ cần trang bị một số thông tin để giúp nhận diện các dấu hiệu từ sớm, như là:
Nỗi sợ khi có các cơn đau dạ dày
Có ác cảm với hương vị hoặc kết cấu của một số loại đồ ăn/đồ uống
Có các cơn bùng nổ cảm xúc (tantrums)
Thường xuyên đi đại tiện
Khi Nào Trẻ Cần Đưa Đi Đánh Giá, Chẩn Đoán Rối Loạn Tâm Lý - Rối Loạn Phát Triển?
Việc đánh giá - chẩn đoán rối loạn tâm lý - rối loạn phát triển cho trẻ em, đặc biệt với chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ, được Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị trong khoảng 18-24 tháng đầu đời [11][12]. Việc đánh giá sẽ giúp cho cha mẹ nhận biết được các khó khăn về hành vi và phát triển của con từ sớm, giúp cho các biện pháp can thiệp và giáo dục đặc biệt (nếu cần) phát huy hiệu quả cao.
Kể cả khi trẻ không có những dấu hiệu đáng quan ngại, cha mẹ cũng được khuyến khích cho con đi đánh giá. Có rất nhiều trẻ có vấn đề về phát triển, hành vi, và cảm xúc đã không được phát hiện cho tới khi trẻ bắt đầu đi học và có những tương tác, trải nghiệm xã hội. Khi đó, con có thể bị bỏ lỡ thời điểm can thiệp tốt, ảnh hưởng tới hiệu quả can thiệp và trị liệu về sau.
Quy Trình Đánh Giá, Chẩn Đoán Rối Loạn Tâm Lý - Rối Loạn Phát Triển Trẻ Em
Bước 1: Tiếp Nhận Thông Tin Từ Phụ Huynh
Sau khi liên hệ với trung tâm trị liệu, nhà tâm lý, hoặc bác sỹ tâm thần, phụ huynh cung cấp một số thông tin cơ bản về tình trạng sức khoẻ, thể chất của con. Nhà tâm lý hoặc bác sỹ sẽ hỏi thêm thông tin về triệu chứng, hành vi, dấu hiệu ở con mà phụ huynh quan ngại. Các thông tin này sẽ giúp cho nhà tâm lý hoặc bác sỹ lựa chọn công cụ hoặc bài kiểm tra đánh giá phù hợp.
Để giúp cho phụ huynh có những đánh giá chính xác về tình trạng phát triển của con, CDC Hoa Kỳ đã gợi ý một danh sách kiểm tra, giúp phụ huynh có thể quan sát xem con đã vượt qua được các mốc phát triển quan trọng đầu đời hay chưa. Những kỹ năng cơ bản như việc bò, đứng, cười với mọi người, hay vẫy tay chào người khác, đều được coi như một mốc phát triển ở trẻ. Mỗi cột mốc bị bỏ lỡ có thể là một dấu hiệu đáng quan ngại mà phụ huynh cần trao đổi thêm với bác sỹ hoặc nhà tâm lý, để có những đánh giá chính xác về tình trạng của con [13].
Bước 2: Kiểm Tra, Đánh Giá Trẻ
Việc đánh giá tâm lý trẻ em không giống như các thủ tục trong bệnh viện, nơi con phải lấy máu hay đo điện tâm đồ. Trong buổi đánh giá, nhà tâm lý hoặc bác sỹ có thể chơi đồ chơi cùng con, trò chuyện với cha mẹ hay người chăm sóc chính của trẻ, cho con làm một bài kiểm tra ngắn, hoặc cho cha mẹ hoàn thành một bảng hỏi để có thêm thông tin về tình trạng của con [14]. Dựa trên các quan sát về cách trẻ chơi đùa, học hỏi, giao tiếp, cư xử, và vận động, cùng các thông tin từ cha mẹ, nhà tâm lý hoặc bác sỹ phát hiện ra các vấn đề về thể chất, tâm lý, hoặc phát triển ở trẻ nhỏ, cũng như các nguy cơ tiềm tàng, giúp cho cha mẹ chuẩn bị phương án can thiệp, hỗ trợ kịp thời.
Bước 3: Nhận Kết Quả Đánh Giá, Tư Vấn Cho Phụ Huynh
Sau buổi đánh giá, phụ huynh sẽ nhận được kết quả theo lịch hẹn của nhà tâm lý hoặc bác sỹ. Bản báo cáo kết quả có thể giúp cha mẹ trả lời câu hỏi: Liệu con có đang phát triển đúng với lứa tuổi, hay con cần sự can thiệp, hỗ trợ để phát triển đúng? Nếu như kết quả đánh giá khoanh vùng được vấn đề mà con gặp phải, con có thể cần làm một số bài kiểm tra khác để có kết quả chính xác hơn, hoặc chuyển sang giai đoạn đánh giá có thể kéo dài trong nhiều buổi tiếp theo [15][16], giúp cho nhà tâm lý/bác sỹ/cha mẹ quyết định có nên cho cho tham gia trị liệu tâm lý, chương trình can thiệp - giáo dục đặc biệt, hoặc cả hai.
Tham vấn - trị liệu tâm lý là hoạt động diễn ra giữa trẻ và chuyên gia tâm lý, đôi khi có sự tham gia của phụ huynh, trong các phiên làm việc kéo dài khoảng 60-90 phút. Tuỳ vào mức độ và vấn đề tâm lý, con được chỉ định làm việc trong khoảng 3-10 buổi. Cha mẹ có thể tìm tới dịch vụ tham vấn - trị liệu tâm lý cho trẻ ở các trung tâm trị liệu hay bệnh viện.
Chương trình can thiệp - giáo dục đặc biệt là chương trình dành cho trẻ gặp các rối loạn phát triển như chậm nói, rối loạn phổ tự kỷ,... Chương trình có thể diễn ra hàng tháng, với các buổi can thiệp cùng chuyên gia kéo dài từ 1-4h/ngày, vào nhiều buổi/tuần. Các đơn vị tổ chức chương trình can thiệp có thể kể đến như: trung tâm giáo dục đặc biệt, trung tâm can thiệp sớm,...
>>> Tham Khảo: Các Biện Pháp Can Thiệp Cho Trẻ Bị Tăng Động Giảm Chú Ý
Vì Sao Cha Mẹ Cần Tìm Đến Địa Chỉ Đánh Giá - Chẩn Đoán Tâm Lý Trẻ Em Uy Tín?
Việc đánh giá chính xác vấn đề phát triển, hay vấn đề tâm lý mà con gặp phải từ sớm, sẽ giúp con có cơ hội nhận được sự can thiệp và hỗ trợ phù hợp, kịp thời, không ảnh hưởng quá nhiều tới khả năng học tập, tương tác xã hội, cũng như phát triển nhân cách trong tương lai.
Ngược lại, việc nhiều cha mẹ tìm đến các địa chỉ đánh giá - chẩn đoán kém chất lượng có thể ảnh hưởng tới việc nuôi dạy và chăm sóc con về sau. Bất kỳ vấn đề về phát triển hay rối loạn tâm lý, khi không được can thiệp phù hợp và đúng lúc, có thể tác động tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của con về lâu dài, phụ huynh cần phải đầu tư nhiều thời gian cho việc can thiệp và trị liệu cho con.
Theo CDC Hoa Kỳ, những người có tư cách thực hiện đánh giá chẩn đoán rối loạn phát triển ở trẻ bao gồm giáo viên can thiệp sớm (early childhood teacher), bác sỹ khoa nhi, và chuyên viên tâm lý trẻ em. Phụ huynh có thể tìm đến dịch vụ tại bệnh viện hoặc các trung tâm trị liệu tâm lý uy tín.
Tham Khảo Dịch Vụ Đánh Giá Tâm Lý Trẻ Em Ở Viện Tâm Lý Việt - Pháp
Viện Tâm lý Việt - Pháp là một trong những đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ đánh giá - chẩn đoán rối loạn phát triển, tham vấn - tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em, trẻ vị thành niên hàng đầu Việt Nam. Chúng tôi làm việc với đội ngũ chuyên gia từ Việt Nam và CH. Pháp, với kinh nghiệm nhiều năm trong việc chẩn đoán, tham vấn và trị liệu cho trẻ em dưới 18 tuổi. Cùng với đó, chúng tôi cũng hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục, trường học trong hoạt động đánh giá, tham vấn tâm lý học đường cho học sinh, đào tạo kỹ năng chuyên môn cho nhiều chuyên gia tâm lý trẻ em trên cả nước.
Một ca đánh giá tâm lý tại Viện Tâm lý Việt - Pháp thường có thời gian 3,5 đến 5h đồng hồ, với sự thực hiện của chuyên gia giàu kinh nghiệm trong phòng Đánh giá được bố trí các công cụ phù hợp. ĐẶT LỊCH ĐÁNH GIÁ - CHẨN ĐOÁN - TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO TRẺ EM VÀ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN VỚI VIỆN TÂM LÝ VIỆT - PHÁP
Thời gian làm việc: Từ thứ Hai đến thứ Bảy
Sáng: 8h00 - 12h00
Chiều: 13h00 - 17h00
Viện Tâm lý Việt - Pháp rất mong được đồng hành cùng gia đình, hỗ trợ cha mẹ và con xác định và vượt qua các khó khăn tâm lý với các chuyên gia giỏi, tâm huyết, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp tại Viện.
Tham khảo:
[1] Special educational needs in England. explore-education-statistics.service.gov.uk
[2] Cảnh báo trẻ chậm nói gia tăng do tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử. vietnamplus.vn
[3] ADHD. kidshealth.org
[4] Attention-Deficit / Hyperactivity Disorder (ADHD) in Children. The Johns Hopkins Hospital
[5] Autism Spectrum Disorder. kidshealth.org
[6] What is autism? nhs.uk
[7] Anxiety Disorders in Children. adaa.org
[8] Depression in Children and Teens. healthychildren.org
[9] What is disordered eating? And why do 20% of the world’s kids show signs of it? Experts explain. edition.cnn.com
[10] Eating Disorders in Children 12 and Under: Learn the Warning Signs. psycom.net
[11] How Pediatricians Screen for Autism. healthychildren.org
[12] Developmental Monitoring and Screening. cdc.gov
[13] CDC’s Developmental Milestones. cdc.gov
[14] Screening Your Child for Autism and Other Disorders. kidcentraltn.com
[15] Quy trình chẩn đoán, đánh giá, tư vấn và hoạt động. kira.edu.vn
[16] Ai được phép đánh giá hay chẩn đoán tự kỷ. tretukydongnai.com
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn