Anhedonia Là Gì?
Anhedonia là một từ mô tả sự giảm hứng thú với các hoạt động mà một cá nhân từng yêu thích, cũng như giảm khả năng cảm nhận niềm vui. Đó là triệu chứng cốt lõi của rối loạn trầm cảm nặng (major depressive disorder), nhưng nó cũng có thể là triệu chứng của các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Không phải tất cả những người trải qua anhedonia đều được chẩn đoán có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Các Triệu Chứng Của Anhedonia Là Gì?
Trong khi các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh luận liệu anhedonia có thực sự được phân thành hai loại chính hay không, một số tài liệu cho rằng vấn đề sức khỏe tâm thần này có thể được chia thành anhedonia xã hội (social anhedonia) và anhedonia thể chất (physical anhedonia).
Anhedonia xã hội thường được định nghĩa là sự gia tăng của việc không quan tâm đến tất cả các khía cạnh của mối quan hệ giữa các cá nhân và thiếu niềm vui trong các tình huống xã hội. Anhedonia thể chất là không có khả năng cảm nhận những khoái cảm được kích thích bởi thị giác, vị giác, thính giác, xúc giác như ăn uống, đụng chạm hoặc tình dục.
Các triệu chứng của anhedonia có thể bao gồm:
Xa lánh các mối quan hệ xã hội
Giảm dần niềm vui đối với các hoạt động hàng ngày
Thiếu các mối quan hệ hoặc rút lui, chạy trốn khỏi các mối quan hệ trước đó
Ít quan tâm đến những sở thích trước đây
Mất ham muốn tình dục hoặc thiếu quan tâm đến sự thân mật thể xác
Chán ăn
Một số ví dụ về cảm giác khi trải nghiệm anhedonia:
Bạn đã từng thích chơi bóng đá vào buổi tối nhưng bây giờ bạn không còn muốn chơi trò chơi này hoặc không muốn tương tác với bất kỳ ai trong đội của bạn nữa.
Nấu ăn từng là sở thích của bạn, nhưng giờ bạn không còn hứng thú với nó nữa và đôi khi phải tự nhắc mình ăn uống.
Bạn không còn hào hứng ra ngoài cùng bạn bè.
Bạn cảm thấy thờ ơ hoặc né tránh người yêu, vợ/chồng của mình và giảm ham muốn tình dục nghiêm trọng.
Một hoạt động từng khiến bạn tràn đầy hạnh phúc, chẳng hạn như đi xem nhạc sống, đi xem phim, v.v không còn mang lại cảm giác tích cực nữa.
Mặc dù anhedonia có thể là một dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, nhưng điều quan trọng là chúng ta không thể tự chẩn đoán. Nếu bạn cảm thấy rằng mình có thể đang phải đối phó với chứng anhedonia, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần ngay khi có thể.
Nguyên Nhân Gây Ra Hội Chứng Anhedonia Là Gì?
Anhedonia là một triệu chứng cốt lõi của trầm cảm và tâm thần phân liệt nhưng cũng có ở những người phải đối phó với cơn đau mãn tính và bệnh Parkinson. Ngoài ra, nó có thể xuất hiện do lạm dụng chất kích thích (như thói quen sử dụng ma túy bất hợp pháp).
Một lưu ý quan trọng về sự khác biệt đó là hội chứng Anhedonia không giống như Chứng lo âu xã hội (Social Anxiety). Lo âu xã hội là hội chứng được phân loại là rút lui khỏi các tình huống xã hội do lo sợ những tình huống đó có thể diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, nếu một cá nhân đang đối phó với anhedonia, họ sẽ tránh né các tình huống xã hội vì dường như không có động lực hay kích thích nào để họ muốn tham gia.
Các Yếu Tố Rủi Ro Đối Với Hội Chứng Anhedonia
Nếu một người đã được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt, họ sẽ có nguy cơ mắc chứng anhedonia cao hơn. Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:
Sống chung với hội chứng Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) bắt nguồn từ một sự kiện hoặc kỷ niệm đau buồn
Mắc một căn bệnh mãn tính ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn
Anhedonia Được Chẩn Đoán Như Thế Nào?
Bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về những gì bạn cảm thấy, tâm trạng bạn ra sao và các triệu chứng của bạn. Họ cũng có thể hỏi xem bạn có tiền sử sử dụng các chất như ma túy bất hợp pháp hay không. Bác sĩ của bạn có thể khám sức khỏe để xác định xem bạn có bất kỳ vấn đề về thể chất nào không.
Ngoài ra, bác sĩ của bạn có thể yêu cầu lấy máu để xét nghiệm xem bạn có bị thiếu vitamin (như vitamin D) hoặc mắc các vấn đề về tuyến giáp, v. v – những vấn đề sức khỏe có thể góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm.
Anhedonia Được Điều Trị Như Thế Nào?
Anhedonia có thể là một hội chứng khó điều trị. Trong nhiều trường hợp, việc điều trị bắt đầu bằng các phương pháp giúp người điều trị kiểm soát vấn đề sức khỏe tâm thần có khả năng gây ra triệu chứng của họ, chẳng hạn như trầm cảm.
Bước đầu tiên trong quá trình điều trị là hãy tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia y tế. Một chuyên gia chăm sóc sức khỏe thể chất nên là lựa chọn đầu tiên của bạn để loại trừ nguyên nhân y tế gây ra các triệu chứng của bạn. Nếu các bác sĩ không tìm thấy bất kỳ vấn đề y tế nào, họ có thể khuyên bạn nên gặp bác sĩ tâm lý, nhà tâm lý học hoặc các chuyên gia sức khỏe thể chất và tâm thần khác.
Các phương pháp điều trị có thể bao gồm thuốc và trị liệu hoặc kết hợp cả hai. Liệu pháp của bạn có thể bao gồm liệu pháp nói chuyện cùng với các loại thuốc theo toa như thuốc chống trầm cảm. Trong một số trường hợp, các loại thuốc khác có thể được khuyến nghị và bác sĩ sẽ giúp bạn lập một kế hoạch điều trị phù hợp với bạn.
Bạn nên dùng thuốc theo quy định và cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nào. Họ có thể cần điều chỉnh liều lượng hoặc thuốc của bạn. Những loại thuốc này ảnh hưởng đến mỗi người theo những cách khác nhau. Một loại thuốc hiệu quả với bạn có thể không hiệu quả với người khác có cùng triệu chứng.
Một loại điều trị khác có thể được sử dụng trong một số trường hợp là liệu pháp sốc điện (ECT). ECT là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với chứng trầm cảm nghiêm trọng mà liệu pháp khác hoặc thuốc không giúp chứng này thuyên giảm. Một số chuyên gia cảm thấy rằng ETC nên được sử dụng càng sớm càng tốt - đặc biệt là với những người bị trầm cảm không biến chứng. Trong quá trình điều trị này, bác sĩ đặt các điện cực lên đầu thân chủ và đặt một dòng điện trong khi người thực hiện thủ thuật được gây mê toàn thân. Điều này gây ra một cơn co giật nhỏ trong não.
Kích thích từ xuyên sọ (TMS) cũng được sử dụng để trị liệu. Chúng sử dụng từ trường để kích thích các tế bào thần kinh với dòng điện nhỏ hơn ECT và không cần gây mê toàn thân. TMS có thể điều trị trầm cảm nặng ở những người bị trầm cảm không đáp ứng với thuốc.
Lựa chọn điều trị thứ ba là kích thích dây thần kinh phế vị (VNS). Bác sĩ sẽ cấy một thiết bị y tế tương tự như máy tạo nhịp tim vào ngực của bạn. Dây của thiết bị này tạo ra các xung điện đều đặn kích thích não của bạn. Cũng như ECT và TMS, VNS có thể điều trị trầm cảm ở những người bị trầm cảm không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Lời Kết
Việc một người mất đi khả năng trải nghiệm niềm vui và giảm hứng thú với những thứ từng khiến họ hạnh phúc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của họ. Hãy nhớ rằng chúng ta không cần phải sống với những cảm giác này và luôn có sự giúp đỡ xung quanh ta. Nếu bạn nhận thấy sự quan tâm của bản thân đối với những thứ từng mang lại niềm vui cho bạn ngày càng giảm, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Tin tốt là một khi bạn bắt đầu điều trị, bạn sẽ có thể bắt đầu cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc trở lại. Thông thường, anhedonia biến mất sau khi dấu hiệu cơ bản được điều trị.
Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.
Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:
-----------------------------
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn
Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn